Sau 2 năm mày mò nghiên cứu và lên dự án trồng nấm sạch, giờ đây, anh Thuận có thể tự tin rằng, hợp tác xã mới thành lập sẽ thực hiện tốt chuỗi giá trị cho các thành viên và nông dân trồng nấm sạch tại địa phương
Dự định của chàng trai trẻ
Làm việc cùng anh Thuận gần 1 năm, anh Nguyễn Văn Nhảy (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) được tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, gia đình anh Nhảy nuôi bò, cá nhưng giá trị kinh tế không cao. Một cách tình cờ, anh Nhảy biết được mô hình sản xuất nấm rơm sạch tại Vĩnh Châu B nên tìm đến học hỏi, mong có thể áp dụng cho mình. Được anh Thuận hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, giờ đây, kinh tế gia đình anh Nhảy đã ổn định hơn nhiều so với trước. Anh Nhảy nói: “Giờ tôi có 6 nhà trồng nấm, tính vài bữa cất thêm ít nhà nữa. Ngày nào sản lượng nấm nhiều thì tôi liên hệ với anh Thuận để anh ấy bao tiêu cho tôi. Còn nếu ít, anh ấy chia sẻ với tôi những điểm bỏ mối ở gần mà anh đã liên hệ trước. Tôi cũng là thành viên HTX Phù Sa vừa mới thành lập của anh Thuận”. Hiện tại, mỗi ngày, HTX NN CNC Phù Sa có thể bao tiêu được khoảng 300kg nấm rơm cho nông dân với mức giá ổn định khoảng 50.000 đồng/kg. Anh Thuận đang tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác nhằm chuẩn bị cho sự phát triển sau này của HTX.
Xuất thân là cử nhân Quản trị kinh doanh, thế mạnh của anh Thuận là tìm đầu ra cho nông sản. Trong suốt quãng thời gian làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân trước đây, anh luôn đau đáu trong lòng câu hỏi, có cách nào để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa giúp nông dân làm giàu từ nông nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà. Anh biết rõ, muốn thuyết phục nông dân làm theo dự án, mô hình mình đề xuất thì cần chứng minh bằng thực tế. Chính vì thế, anh nghỉ việc, về quê bắt tay vào thực hiện dự án trồng nấm rơm sạch. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh trai là cử nhân Công nghệ thực phẩm, thạc sĩ Công nghệ sinh học, anh Thuận không quá khó khăn trong quá trình trồng và chăm sóc nấm rơm. Nhờ vậy, anh nhanh chóng “chuẩn hóa” quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm sạch cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là anh thành công ngay từ bước đầu. Một chút sai sót trong khâu chọn meo giống đã khiến số tiền hàng trăm triệu đồng của anh “bay theo chiều gió”.
Theo anh Thuận, sản xuất nông nghiệp sạch sẽ giúp nông dân thoát khỏi vòng lẩn quẩn “trúng mùa mất giá” và ngược lại. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, anh đã xác định sẽ kiên tâm theo đuổi việc sản xuất sạch dù chỉ bán ra thị trường dễ tính. Anh Thuận nói: “Trồng nấm sạch giúp nông dân có được đầu ra ổn định và bền vững, ít tốn chi phí, mang lại lợi nhuận cao. Nấm trồng theo quy trình sản xuất sạch của HTX chúng tôi dù chưa chính thức có giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGap nhưng vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Hiện tại, tôi đang làm việc để ký hợp đồng với công ty chuyên cung cấp rau, củ, quả cho các nhà hàng tại TP.HCM”.
Để sản xuất thành công một vụ nấm sạch, nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng nấm từ: Quy cách xây dựng nhà trồng nấm đến việc xử lý sâu, bệnh, ghi chép nhật ký,… (Trong ảnh: Nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ mô rơm trên giàn)
Mở ra hướng đi mới
Để sản xuất thành công một vụ nấm sạch, nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng nấm từ quy cách xây dựng nhà trồng nấm đến việc xử lý sâu, bệnh, ghi chép nhật ký,… Đó là một trong những bước khó khăn nhất khi anh Thuận quyết định chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Anh chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, những thành viên HTX và nông dân có hợp tác với HTX đều là người chưa trồng nấm rơm bao giờ. Các cô chú, anh chị đã trồng theo cách truyền thống do chưa thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất trước kia nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận quy trình mới”.
Mô hình trồng nấm rơm sạch do anh Thuận khởi xướng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Với 1 nhà trồng nấm diện tích 30m2, nông dân có thể thu được lợi nhuận 1,5 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết chi phí. Tùy thuộc vào số lượng nhà trồng nấm của mỗi hộ mà lợi nhuận tăng lên. Đó thực sự là một hướng đi nhiều triển vọng cho người dân trong xã. Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Châu B - Nguyễn Quốc Hùng cho biết, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh Thuận phát triển sản xuất, thành lập HTX với mong muốn giúp địa phương có thêm một HTX hoạt động hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân.
HTX NN CNC Phù Sa vừa mới thành lập không bao lâu nên bước đầu còn nhiều khó khăn. Sau khi ổn định tổ chức, HTX sẽ tiến hành đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất khác nhằm “khép kín” quy trình từ khâu xử lý nguyên liệu, meo giống đến chăm sóc, cho ra sản phẩm hoàn toàn sạch nhằm chinh phục các thị trường khó tính. Theo đó, HTX có định hướng sẽ cung cấp nguyên liệu rơm trồng nấm đã qua xử lý, meo nấm, kỹ thuật để nông dân sản xuất được nấm sạch với năng suất ổn định; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông dân làm ra.
Dự định thì còn rất nhiều, nhưng Giám đốc trẻ của HTX NN CNC Phù Sa - Lê Văn Thuận không muốn mình vội vã, bởi mỗi bước phát triển hiện tại cần sự đồng lòng của cả tập thể và ảnh hưởng đến các thành viên của HTX. Mỗi ngày một chút, những thành viên HTX NN CNC Phù Sa nhắc nhau mỗi người làm tốt một phần việc để từng bước hiện thực hóa những dự định đã vạch ra./.
Quế Lâm