Tiếng Việt | English

26/11/2024 - 20:54

Bác sĩ chỉ ra 4 mùi hôi miệng nhận biết bệnh đường tiêu hóa

Một số bệnh về hệ tiêu hóa hoặc nội tạng có khả năng gây ra mùi hôi miệng. Nếu hơi thở của bạn mang một trong các mùi sau, đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn không nên xem thường.

Những nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng

Theo thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Văn Hiều, Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, một số nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng là:

Bệnh gan: Gan đóng vai trò trong quá trình giải độc cơ thể. Khi gan suy yếu, các chất độc không được xử lý hết có thể đi vào dòng máu và gây ra mùi hôi đặc trưng hoặc mùi ngọt lạ trong hơi thở (foetor hepaticus).

Mùi hôi miệng đôi khi không phải do vệ sinh răng miệng chưa kỹ mà là báo hiệu của các vấn đề sức khỏe (ẢNH: PEXELS)

Bệnh thận: Khi thận không hoạt động hiệu quả, sự tích tụ của ure trong máu có thể dẫn đến hơi thở có mùi. Đây là dấu hiệu của suy thận, khi các chất độc không được lọc ra khỏi cơ thể.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Axit trào ngược có thể phá hủy niêm mạc thực quản, gây viêm nhiễm, làm tăng sản xuất vi khuẩn và khiến hơi thở nặng mùi. Nếu có bệnh lý hở tâm vị, tình trạng mà van giữa thực quản và dạ dày không đóng kín dẫn đến dịch dạ dày, axit và thức ăn dễ dàng trào ngược lên thực quản, thì hơi thở cũng có mùi hôi.

Loét dạ dày - tá tràng: Vi khuẩn Helicobacter pylori, tác nhân gây loét dạ dày và viêm niêm mạc dạ dày, có thể liên quan đến mùi hơi thở khó chịu. H. pylori tạo ra các chất chuyển hóa gây mùi hôi trong dạ dày, lan tỏa ra miệng qua đường thở.

Rối loạn tiêu hóa: Táo bón và đầy hơi kéo dài hoặc các bệnh lý làm chậm tiêu thức ăn (như u hoặc hẹp đường tiêu hóa) có thể làm phân tích tụ trong đường tiêu hóa, khiến hơi thở có mùi do vi khuẩn phân hủy thức ăn không tiêu hóa hoàn toàn.

Viêm ruột non hoặc ruột già: Những bệnh lý viêm nhiễm như viêm đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể gây ra sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, làm tăng sản sinh khí và các hợp chất sulfur (lưu huỳnh), gây hôi miệng.

Ngoài ra, các bệnh lý răng miệng cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hơi thở nặng mùi, bao gồm: Viêm lợi, viêm quanh răng, sâu răng, áp xe răng, lưỡi bám bẩn, hút thuốc lá…

Hạn chế các chất kích thích, đồ uống có cồn để bảo vệ hệ tiêu hóa (ẢNH: NHƯ QUYÊN)

4 mùi hôi miệng “báo hiệu” bệnh

Cũng theo bác sĩ Trần Văn Hiều, các mùi hôi miệng đặc trưng liên quan tới bệnh lý tiêu hóa là:

Mùi chua hoặc axit: Thường là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD). Nếu trào ngược diễn ra thường xuyên, có thể gây tổn thương thực quản và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Mùi sulfur (trứng thối): Đôi khi là do loét dạ dày hoặc nhiễm H. pylori. Mùi này kéo dài có thể cho thấy viêm dạ dày hoặc loét dạ dày - tá tràng đang diễn tiến.

Mùi amoniac hoặc nước tiểu: Đây là dấu hiệu của suy thận nặng. Khi hơi thở có mùi amoniac, bệnh nhân cần được đi khám sớm vì có thể tình trạng suy thận đã tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm.

Mùi trái cây thối: Thường gặp ở bệnh nhân suy gan. Đây là dấu hiệu cho thấy gan đã mất chức năng giải độc và cần điều trị ngay.

“Hôi miệng kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, sút cân, mệt mỏi, hoặc vàng da cũng là dấu hiệu cần được kiểm tra. Người bệnh cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời”, bác sĩ Hiều nói thêm.

Không chủ quan khi nặng mùi hơi thở

Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, duy trì lối sống lành mạnh và chủ động kiểm tra sức khỏe sẽ giúp phòng tránh các vấn đề liên quan đến hơi thở và đảm bảo sức khỏe tổng thể tốt hơn. Theo đó, bác sĩ Hiều khuyến khích mọi người không nên xem thường việc có hơi thở nặng mùi; hạn chế ăn các thức ăn khó tiêu, thức uống có cồn, hút thuốc lá và các yếu tố gây trào ngược. Thay vào đó nên ăn nhiều rau xanh, uống đủ nước để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

"Mọi người cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng thường xuyên và kỹ lưỡng, bao gồm việc đánh răng, làm sạch lưỡi và dùng chỉ nha khoa. Lưu ý quan trọng là người bệnh không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc trị hôi miệng nào, vì một số thuốc có thể làm tình trạng hôi miệng nặng hơn hoặc gây táo bón, viêm nhiễm. Khám bệnh định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề về dạ dày, gan, thận. Bệnh lý phát hiện sớm sẽ dễ điều trị và ngăn chặn biến chứng”, bác sĩ Hiều chia sẻ./.

Theo Báo Thanh Niên

Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-chi-ra-4-mui-hoi-mieng-nhan-biet-benh-duong-tieu-hoa-185241125224050181.htm

Chia sẻ bài viết