Nhạc sĩ Trịnh Hùng với ca khúc Con đường và tình yêu miền đất mới
1. Hơn 40 năm về trước, Tỉnh ủy có chủ trương tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười. Và một quyết định mang tính lịch sử chính là mở đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay). Hàng trăm ngàn lượt người từ các huyện phía Nam thay phiên nhau lên Đồng Tháp Mười đắp đường, mở đất. Trong những thanh niên ngày ấy, có cả những nghệ sĩ cũng được huy động tham gia. Ngày tuyến đường hoàn thành, trên chiếc xe ca đầu tiên từ Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường) về thị xã Tân An (TP.Tân An), nhạc sĩ Trịnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, viết bản nhạc Con đường và tình yêu miền đất mới về đường 49 - con đường của sức dân và của chính ông cùng bao thanh niên đắp nên: “Miền đất yêu thương rừng tràm bát ngát/ Đường mới thênh thang gợi nhớ bao ngày/ Đường xe qua đồng xanh cây lúa mới/ Yêu quê mình càng yêu những con đường... Người quê em bền gan trong chiến đấu, luôn ngoan cường rạng danh đất anh hùng. Về Long An ghé lại đây, em gửi đôi lời. Rằng em yêu miền đất mới xây bao ước mơ xa. Ôi đẹp tình ta giữa đồng bưng lúa thêm say bông đẹp thêm quê mình. Có những con đường về đây - nối tình yêu hai vùng đất mới quê em!”.
Hồi tưởng khi viết bài hát này, nhạc sĩ Trịnh Hùng xúc động, thật không thể nào quên khí thế của ngày ấy. Vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn đã có con đường huyết mạch, “con đường vàng” được tạo nên bởi bàn tay, khối óc, con đường từ sức dân, đánh thức tiềm năng “miền đất mới”.
“Chính cảm xúc dạt dào của những ngày trực tiếp tham gia đào đường, đắp đường đến khi chứng kiến con đường hình thành đã thôi thúc tôi ấp ôm những ca từ làm nên ca khúc này. Đồng Tháp Mười mênh mông cò bay thẳng cánh, đến với những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh ngát, xen lẫn với những đồng lúa phì nhiêu... Ca khúc này sau đó được đưa vào phim của Ngành Giao thông Vận tải Long An, cũng nhận được nhiều giải thưởng về sáng tác và cả ca sĩ thể hiện” - nhạc sĩ Trịnh Hùng chia sẻ.
2. Hiện thực phong phú, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm lòng kiên trung, nồng hậu của nhân dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến trở thành đề tài hấp dẫn kỳ lạ đối với văn nghệ sĩ cách mạng, tiêu biểu nhà thơ Hoài Vũ với những tác phẩm làm nên một phần hình ảnh của mảnh đất Long An.
4 tập thơ: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn phần lớn viết về Long An. Tên của những tập thơ này là tên của những bài thơ nổi tiếng viết về Long An, đã được phổ nhạc như Vàm Cỏ Đông (nhạc Trương Quang Lục), Anh ở đầu sông, em cuối sông (nhạc Phan Huỳnh Điểu), Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn (nhạc Thuận Yến), góp phần động viên tinh thần chiến đấu giải phóng quê hương của đồng bào, chiến sĩ Long An và miền Nam nói chung.
Một đêm khuya mùa hè năm 1966, vào thời kỳ không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, từ Nhà máy Superphosphate Lâm Thao - nơi đang công tác trở về nơi ở, nhạc sĩ Trương Quang Lục chợt nghe trong buổi Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam giọng của ai đó đang ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ từ miền Nam gửi ra, lời thơ và giọng ngâm thật tha thiết. Và ngay trong đêm hôm ấy, với cây đàn trên tay, ông nắn nót từng cung bậc. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, ca khúc Vàm Cỏ Đông đã hoàn thành: Ơ... ơi Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông/Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong/ Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong... Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông...
3. Còn với soạn giả Nguyễn Minh Tuấn, hình ảnh ngoại cùng đứa cháu mồ côi cứ ám ảnh, thôi thúc soạn giả viết nên bài vọng cổ Về quê ngoại (nghệ sĩ Cẩm Tiên ca). Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn kể mà nước mắt rưng rưng: “Đó là những năm 60, vùng Thạnh Lợi, huyện Bến Lức bị quân thù đánh phá thành vùng trắng nhưng ngoại vẫn bám đất cùng con gái. Rồi một hôm, giặc càn quét ác liệt, anh em đồng đội hy sinh, trong đó có con rể của ngoại. Chiều tối, không thấy chồng về, con gái của ngoại lặn lội tìm chồng. Khi gặp xác chồng bên mé mương, chị đào hố chôn trong đau thương nhưng trên đầu, máy bay giặc rọi thấy và thả bom, chị gục ngã bên xác chồng. Ngoại cùng đứa cháu gái đi tìm, thấy xác vợ chồng con gái nằm cạnh nhau. Đau thương chồng chất đau thương, ngoại khóc thật nhiều...”.
Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn với những bài vọng cổ làm say đắm lòng người
Những hình ảnh ấy đi vào câu vọng cổ buồn, man mác niềm đau “trong một giờ đau thương trùm phủ lấy đau thương, ngoại xé mảnh vải thô gấp lên đầu con 2 vành khăn trắng, từ đó ngoại cưng, ngoại yêu cháu mồ côi của ngoại, con nhớ trong lòng không dễ gì quên”. Kể từ đó, ngoại nuôi nấng, dạy bảo, xây đắp hạnh phúc cho đứa cháu mồ côi.
Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn kể lại, năm 1963, lúc ấy khi mới 14 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng ở Đoàn Văn công Long An, vừa làm nhạc công, vừa diễn viên ca múa. 18 tuổi, ông bắt đầu sáng tác, viết một số bài nhỏ cải lương với bài đầu tiên là Trận đánh Đức Huệ.
Nhiều khán giả yêu thích những sáng tác của ông bởi ca từ gần gũi, dễ đi vào lòng người cũng như gắn liền với tình đất, tình người. Đến nay sau 55 năm cầm viết, soạn giả Nguyễn Minh Tuấn đã viết trên 200 bài vọng cổ và nhiều vở cải lương. Trong đó có nhiều bài ca cổ nổi tiếng được các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, thu tiếng và quay hình: Ngoài Về quê ngoại là Tình nàng Tô Thị (nghệ sĩ Thanh Kim Huệ ca), Đêm Hạ Long (nghệ sĩ Thanh Tuấn ca), Về giữa vườn thơm (nghệ sĩ Thanh Hằng ca), Người khảy đàn ở Thành Nam (nghệ sĩ Phương Hồng Thủy, Châu Thanh ca),... Ông còn nhiều bài nói về những địa phương ở Long An. Đó là Về chiến trường xưa (viết về Khu di tích Bình Thành nay là Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh), Đêm Tân Trụ, Nắng mới quê hương (viết về Châu Thành),...
Về các vở tuồng, nhiều vở của ông được các đoàn ở Long An và một số tỉnh miền Tây dàn dựng. Đó là Phố an cư, Hai mảnh tình quê, Nghĩa sĩ Cần Giuộc (Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009),... Nghĩa nặng, tình sâu với nơi mình sinh ra, ông có bài Nỗi nhớ quê hương. Những ca từ da diết trong đó nói về một miền quê Đức Huệ tuy nghèo khó, gian lao mà anh hùng,... Tác phẩm ngợi ca sự gan dạ, chiến đấu và hình ảnh người dân bám đất giữ làng trong kháng chiến. “Tôi nghĩ rằng phải xuất phát từ niềm đam mê, có sự trải nghiệm phong phú và với mỗi bài vọng cổ, bản thân người viết phải lựa chọn ngôn từ sao cho trau chuốt, cô đọng, hàm súc” - soạn giả Nguyễn Minh Tuấn nói.
Có một Long An đi vào âm nhạc, nhiều bài vọng cổ thật gần gũi và chân tình. Long An bao đời nay vẫn vậy, dung dị, hiền lành nhưng cũng kiên trung, bất khuất và mến khách!
Thanh Nga