Tiếng Việt | English

20/02/2025 - 14:14

Tuổi già nhưng chí không già

Với tư duy làm nông nghiệp “không giống ai”, ông Nguyễn Văn Lự (SN 1955, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) từng bị không ít người "bàn ra tán vào". Nhưng chính sự đột phá, sáng tạo, tinh thần "dám nghĩ, dám làm" đã giúp ông thành công, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng địa phương.

Nụ hoa hòe sau khi thu hái được ông Nguyễn Văn Lự (ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) sàng lọc, lựa chọn cẩn thận trước khi đóng gói

Để có được căn nhà khang trang như hiện tại, vợ chồng ông đã tốn không ít công sức. Thời đất nước còn khó khăn, nhà ông cũng nghèo, làm nông nghiệp chỉ đắp đổi đủ ăn.

Sau khi có vợ, 5 đứa con lần lượt ra đời là động lực để vợ chồng ông phấn đấu. Trên phần đất của gia đình, vợ chồng ông cật lực cày cấy kiếm tiền nuôi con, có khi phải chạy gạo từng bữa nhưng không làm ông nản chí.

Ông Lự nghĩ: “Phải làm gì đó khác người ta mới mong đổi đời, con mình sau này cũng đỡ hơn”. Thế là ông bắt tay trồng dưa hấu. Cả cánh đồng lúa nhưng chỉ có đám ruộng của ông trồng dưa hấu. Dân trong vùng 10 người thì hết 8 người e ngại khi thấy ông mạo hiểm như thế.

Mùa dưa năm đó, ông thu hoạch 20 tấn, bán được giá nên lợi nhuận cao. Ông trồng nhiều loại rau màu như đậu bún, khổ qua, đậu bắp, rau muống, nuôi thêm gà, vịt, cao điểm đến hàng ngàn con. Nhờ dám làm, dám liều lại biết dành dụm nên vợ chồng ông xây được ngôi nhà khang trang.

Khi phong trào trồng thanh long ở địa phương nở rộ, ông cũng hưởng ứng nhưng qua thời gian giá thấp nên đành phá bỏ. Thông thường, khi chuyển đổi cây trồng, nông dân có xu hướng trồng lại những loại cây quen thuộc. Riêng ông Lự thì khác, ông chọn cây hòe, loài cây hoàn toàn mới ở địa phương. Ông cũng không thử nghiệm mà trồng tận 8.000m2. "Lần này, dân trong vùng còn phản ứng mạnh hơn, người ta kêu vợ chồng tui điên” - ông Lự nói.

Cây hòe là loại cây thảo dược dễ trồng, phát triển nhiều ở miền Trung, miền Bắc. Hoa hòe có tác dụng hạ huyết áp, cầm máu, làm bền thành mạch, phòng ngừa tai biến mạch máu não,… Khi trồng ở miền Nam, ông Lự nhận thấy cây trổ bông quanh năm chứ không có thời gian “ngủ đông”, nhờ đó sản lượng đều. Nhờ đọc nhiều sách, tìm hiểu thêm trên mạng nên ông nắm được công dụng, kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Thời gian đầu cũng khá khó khăn, cây bị ốc sên cắn phá. Để diệt trừ, ông mua xác dừa (phần dừa bỏ đi sau khi vắt nước cốt) rồi trộn thuốc rải khắp ruộng. Đó là chưa kể cây bị nấm, cào cào tấn công.

Dần dần, ông khắc phục được hết những khó khăn, sau 6-8 tháng, cây cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày, ông hái khoảng 20kg nụ hoa tươi. Nụ hòe sau khi hái được phơi nắng rồi sàn lọc để chọn những nụ chất lượng. Ông cũng đầu tư máy sấy điện phục vụ sản xuất và đóng gói sản phẩm.

Ông Lự chia sẻ: “Trồng loại cây này có nhược điểm là trổ bông không đồng loạt nên sản lượng đôi lúc còn thấp. Ưu điểm là giá tương đối tốt và bảo đảm sạch, an toàn do tui chủ yếu dùng phân hữu cơ và thuốc sinh học”.

Sản phẩm Trà hoa hòe Nguyễn Lự được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao

Hiện tại, nguồn khách của ông từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm Trà hoa hòe Nguyễn Lự đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao. Một số doanh nghiệp đã liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ, nhiều khách nước ngoài đến tham quan. Bản thân ông cũng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Ông Lự nói, thành công hiện tại một phần là nhờ vợ luôn ở bên động viên, chia sẻ, đồng hành. Ông mong muốn lan tỏa món quà sức khỏe này đến với mọi người, mọi nhà, góp một phần nhỏ xây dựng địa phương. Các con ông giờ đều khôn lớn, thành đạt, muốn cha mẹ nghỉ ngơi nhưng ông lại thấy một ngày sẽ dài hơn nếu không làm việc./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết