Tháp giáo đường ở Jam, tỉnh Ghor, được xây dựng từ hồi thế kỷ 12 và đã được UNESCO công nhận là một Di sản thế giới vào năm 2002. (Nguồn: Telegraph)
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông báo có 55 trong tổng số 1.052 di sản thế giới nằm trong danh sách các di sản đang gặp nguy hiểm.
Tại cuộc họp lần thứ 40 diễn ra hồi tháng Bảy vừa qua tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã đưa các di sản ở Mali và Uzbekistan vào danh sách các di sản thế giới đang gặp nguy hiểm.
Ngoài ra, 5 di sản ở Libya cũng bị liệt vào "danh sách đen" do mức độ tổn hại từ cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo UNESCO, các cuộc xung đột, động đất và các thảm họa thiên nhiên khác, cùng với các vấn nạn như ô nhiễm môi trường, săn bắn trái phép, tình trạng đô thị hóa và phát triển du lịch vượt mức kiểm soát đã đặt ra những thách thức lớn đối với các di sản thế giới.
Việc đưa các di sản thế giới vào "danh sách đen" cho phép Quỹ Di sản thế giới lập tức triển khai các biện pháp ứng phó thích hợp, đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế về những thực trạng này với hy vọng các nước có thể tham gia các nỗ lực bảo tồn.
Dưới đây là một số di sản thế giới thuộc diện đang gặp nguy hiểm: - Afghanistan: Tháp giáo đường ở Jam (2002) và thung lũng Bamiyan (2003); - Iraq: Thành phố cổ Ashur (2003), Hatra (2015) và Samarra (2007); - Jerusalem: Thành cổ Old City (1982); - Mali: Lăng mộ Askia (2012), thành phố cổ Timbuktu (2012) và Djenne (2016); - Niger: Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Air và Tenere (1992); - Syria: các thành phố cổ Aleppo (2013), Bosra (2013) và Damascus (2013), các thị trấn cổ ở miền Bắc Syria (2013), Crac des Chevaliers và Qalat Salah El-Din (2013), Palmyra (2013); - Yemen: thị trấn lịch sử Zabid (2000), thành phố cổ Sanaa (2015) và Shibam (2015); - Công viên quốc gia Everglades ở bang Florida của Mỹ (2010); - Các công viên quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Conggo, Cộng hòa Trung Phi và Senegal./. |
Theo TTXVN