Cuộc đua vào chức Thủ tướng Nhật Bản đã cận kề, và chỉ còn khoảng 24 tiếng nữa là sẽ biết ai là người trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại, 3 ứng cử viên Suga Yoshihide, Chánh văn phòng Nội các, ông Kishida Fumio, Trưởng Ban nghiên cứu chính sách Đảng Tự do Dân chủ (LDP), và ông Ishiba Sigeru, Nguyên Tổng thư ký Đảng vẫn tranh luận, tìm kiếm từng lá phiếu ủng hộ. Trong chính sách ngoại giao, cả 3 ứng cử viên có những tranh luận gay gắt, thể hiện mạnh mẽ quan điểm của mình.
Từ trái sang: Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Ishiba Shigeru và cựu Ngoại trưởng Kishida Fumio. Ảnh: Korea Herald
Ứng cử viên Suga khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao như ông Abe đã từng thực hiện, ví dụ như vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, duy trì căn cứ quân sự tại Nhật Bản… Riêng hai ứng cử viên Kishida và Ishiba có chung quan điểm lấy quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là ưu tiên chính, tuy nhiên, lại có quan điểm khác nhau về duy trì căn cứ quân sự tại Nhật Bản khi có nguy cơ xảy ra.
Trong quan hệ ngoại giao với Nga, vấn đề lãnh thổ vẫn là là chủ đề chính. Ông Suga khẳng định sẽ tiếp tục những chủ đề mà hai bên vẫn đang giải quyết, và phương châm cũng không hề thay đổi, bởi lẽ từ trước đó với tư cách là Chánh văn phòng Nội các, ông đã cùng với Thủ tướng Abe nỗ lực cho việc tăng cường quan hệ với Nga, cụ thể là làm sao hai nước có thể khai thác chung tại một số đảo đang có tranh chấp, chuẩn bị cho một Hiệp ước hòa bình mà nhiều năm qua chưa thể thực hiện.
Ứng cử viên Ishiba cho rằng không thể nhân nhượng Nga trong việc trao trả quần đảo Phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản), quần đảo Kirin theo cách gọi của Nga).
Riêng ông Kishida có ý kiến rằng quan hệ Nhật - Nga đã được xúc tiến dựa trên quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất, tuy nhiên cần phải cải thiện quan hệ dựa trên những cuộc gặp khác bao gồm gặp gỡ cấp chuyên viên. Ngoài ra, ứng cử viên Ishiba có vẻ thận trọng trong việc duy trì căn cứ quân sự tại Nhật Bản. Ông cho rằng việc tăng cường quan hệ an ninh Nhật - Mỹ là điều khó thay đổi, tuy nhiên, tư duy duy trì căn cứ quân sự nước ngoài tại Nhật Bản là một điều cực kỳ “nguy hiểm”. Ông Kishida có vẻ mềm mỏng hơn khi cho rằng cả về măt pháp luật lẫn chiến thuật thì việc duy trì căn cứ quân sự nước ngoài tại Nhật Bản có nhiều điểm cần thay đổi.
Ông Ishiba là người đã từng làm Bộ trưởng Phòng vệ, và ông Kishida có kinh nghiệm với 4 năm 7 tháng làm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản dưới thời chính quyền Abe Shinzo, do đó cả hai đều có những chính sách ngoại giao riêng biệt so với ông Suga. Liên quan đến việc giải quyết vấn đề người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc, ông Ishiba có chủ trương muốn thiết lập văn phòng liên lạc chung giữa Tokyo và Bình Nhưỡng.
Ông Kishida cho rằng hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân là một điều lý tưởng. Do đó, cần phải giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ông Suga lại cho rằng quan điểm ngoại giao của hai ứng cử viên trên là thiếu kinh nghiệm ngoại giao và thiếu tầm nhìn quốc gia lâu dài. Ông khẳng định, trong 7 năm 8 tháng qua, với tư cách là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản ông đã tham gia vào nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, ví dụ như thăm Mỹ năm 2019, dự Hội đàm cấp cao Nhật - Mỹ… vì vậy ông biết cần phải làm gì trong bối cảnh hiện tại nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản với các nước vì lợi ích quốc gia.
Rõ ràng 3 quan điểm có nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều có xu hướng vì lợi ích quốc gia. Nhưng chính sách đó có hiệu quả hay không lại tùy thuộc vào nhiều điều kiện khách quan khác, và sự ủng hộ của các nghị sĩ nghiêng về ai phần nào sẽ nói lên hiệu quả của chính sách ngoại giao trong tương lai./.
Theo VOV.VN