Tiếng Việt | English

27/10/2018 - 13:50

Ứng dụng máy khắc tự động trong sản xuất, gia công gỗ mỹ nghệ

Trước đây, nếu làm thủ công, một sản phẩm phải hoàn thành trong nhiều ngày, cần nhiều lao động tay nghề cao. Máy khắc tự động có thể làm ra sản phẩm trong thời gian ngắn, giảm lao động tay nghề cao trong khâu điêu khắc.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Long An (Trung tâm Khuyến công) vừa phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hưng, hộ kinh doanh Thanh Phong tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng máy khắc tự động trong sản xuất, gia công gỗ mỹ nghệ.

Hộ kinh doanh Thanh Phong, ngụ khu phố Gò Thuyền A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng. Sản phẩm cơ sở làm ra rất đa dạng: Tủ, bàn, ghế, cửa, tranh tượng và đồ trang trí nội thất. Sản phẩm được cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh: TP.HCM, Đồng Tháp,...

Bà Nguyễn Thị Nhi - Chủ cơ sở kinh doanh Thanh Phong, cho biết: “Hiện cơ sở có nhiều công đoạn còn làm thủ công. Với mong muốn từng bước đưa máy móc vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường và giải quyết thiếu hụt lao động, cơ sở quyết định đầu tư ứng dụng máy khắc tự động nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

Đại biểu tham gia nghiệm thu máy khắc tự động

Đại biểu tham gia nghiệm thu máy khắc tự động

Nhận thấy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn là điều cần thiết hiện nay, Trung tâm Khuyến công quyết định xây dựng đề án sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cơ sở phát triển nghề truyền thống, tạo động lực để cơ sở phát triển ngày càng tốt hơn. Tổng kinh phí thực hiện đề án 140 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ cơ sở.

Theo đó, máy khắc tự động có công suất 1.500W. Trước đây, nếu làm thủ công, một sản phẩm phải hoàn thành trong nhiều ngày, cần nhiều lao động tay nghề cao. Máy khắc tự động có thể làm ra sản phẩm trong thời gian ngắn, giảm lao động tay nghề cao trong khâu điêu khắc.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Phạm Văn Hường chia sẻ, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ các hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn chưa nhiều. Tuy nhiên, đây có thể được xem là nguồn “vốn mồi” để các cơ sở ứng dụng trang thiết bị vào sản xuất, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu và tăng doanh thu cũng như lợi nhuận. Từ đó, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích