Tiếng Việt | English

14/09/2015 - 10:11

Long An

Ứng dụng Nano bạc và Oligo--Glucan để nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cần Giuộc phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành “Nghiệm thu đề tài ứng dụng Nano bạc và Oligo--Glucan để nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An”. Đề tài do KS. Ngô Công Bình làm chủ nhiệm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc là đơn vị chủ trì thực hiện, được triển khai trong 11 tháng, đã đem lại những kết quả khả quan, mở ra hướng mới trong nuôi trồng thủy sản sạch, bền vững.


Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của vùng hạ huyện Cần Giuộc, diện tích nuôi năm 2013 lên đến 3.300ha. Tuy nhiên, hiện nay, người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do kỹ thuật nuôi chưa bảo đảm, nguồn nước bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại tồn dư trong quá trình xử lý ao hồ. Một số người nuôi tôm đã sử dụng hóa chất, kháng sinh để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh nhưng lại gặp phải nhiều vấn đề về chất lượng tôm.

Vì vậy, việc ứng dụng các chế phẩm công nghệ cao, an toàn và hiệu quả như Nano bạc và Oligo--Glucan để xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sạch và bền vững là điều hết sức cần thiết.

Đề tài được triển khai thực hiện tại xã phước Vĩnh Tây và Phước Lại, huyện Cần Giuộc trong cả 2 vụ: Vụ nghịch (11-2014 - 2-2015) và vụ thuận (3-2015 - 6-2015), với tổng diện tích ao nuôi 12.000m2 (2 ao thực nghiệm và 2 ao đối chứng). Mật độ thả tôm giống 50 con/m2, tôm giống kích cỡ PL 12 được cung cấp bởi Công ty TNHH tôm giống Anh Việt, Ninh Thuận là con giống khỏe mạnh, được kiểm dịch nghiêm ngặt. Đề tài sử dụng Nano bạc và Oligo--Glucan của Công ty Sài Gòn Bio nano để xây dựng mô hình thực nghiệm.

Đề tài đã xây dựng thành công mô hình ứng dụng Nano bạc và Oligo--Glucan trong việc kích kháng bệnh, kích thích miễn dịch tế bào mà không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua quá trình thực nghiệm, đề tài đã xác định được các yếu tố môi trường tối ưu cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng trong vụ nghịch và vụ thuận trên địa bàn vùng hạ huyện Cần Giuộc (nhiệt độ, oxy hòa tan, độ trong, pH, NH3, NO2).

Đồng thời đề tài cũng đưa ra quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng có bổ sung Oligo--Glucan vào thức ăn và sử dụng Nano bạc để diệt vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nước nuôi tôm. Sau hơn 2 tháng nuôi, tôm đạt size 50 - 60con/kg, tỷ lệ sống gần 90%, lợi nhuận trung bình đạt 45 đến 60 triệu đồng/ao 3.000m2.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Lê Quốc Dũng đánh giá cao tính ứng dụng và hiệu quả thiết thực của mô hình ứng dụng Nano bạc và Oligo--Glucan trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông, việc ứng dụng này nâng hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng là đúng với định hướng về nền nông nghiệp sạch, ít hóa chất, an toàn và bền vững của tỉnh. Ông đề nghị ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng các chế phẩm này vào các đối tượng thủy sản khác trên địa bàn huyện.

Với các kết quả đã đạt, đề tài được các thành viên hội đồng đánh giá cao và thống nhất đồng ý nghiệm thu./.

QLKHCNCS - Sở Khoa Học & Công Nghệ

Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện

Chia sẻ bài viết