Tránh cũng không thoát
Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca.
GS.TS Nguyễn Bá Đức
Tại Việt Nam, ung thư ở nam giới tăng nhanh nhất là phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản; ở nữ tăng nhanh nhất là ung thư vú, đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân chính là: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, do tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân từ thực phẩm đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%.
“Tức cứ 10 người ung thư thì có gần 4 người do ăn phải thực phẩm không an toàn và có 3 ca từ do thuốc lá gây nên”, GS Đức thông tin.
Tuy nhiên GS Đức cho rằng,thuốc lá là cái có thể nhìn thấy để tránh, còn thực phẩm rất đa dạng, không thể tránh hết được. Bản thân thực phẩm không có hại nhưng các hoá chất trong thực phẩm là cái nguy hại nhất, thông qua ăn uống, rất nhiều chất độc hại chui vào cơ thể mà mọi người không hay.
“Ngày xưa rau củ đâu có thuốc trừ sâu, đâu có chất kích thích tăng trưởng. Giờ bơm hôm trước hôm sau đã thu hoạch. Vì chạy theo lợi nhuận, mọi người đang đầu độc lẫn nhau”, GS Đức nói.
Ngoài ra để thức ăn được đẹp, để được lâu, người bán không ngần ngại đổ chất bảo quản vào thịt cá, hoa quả, đồ ăn chín, đồ đóng hộp, dùng hoá chất công nghiệp nhuộm màu thực phẩm... chưa kể thực phẩm ôi thối như lòng thối, thịt thối, mực thối vẫn được tái chế lại như thường...
Theo GS Đức, khi ăn phải thực bẩn, thực phẩm tồn dư hoá chất sẽ không bị ung thư ngay nhưng sẽ tích tụ trong cơ thể, đến thời điểm nhất định sẽ trở thành tác nhân gây ung thư.
Chế biến thực phẩm sai cách
Cứ 10 người mắc ung thư thì có gần 4 người do ăn phải thực phẩm không an toàn
GS Đức cho rằng, ngoài nguồn gốc thực phẩm, một tác nhân gây ung thư phổ biến ở Việt Nam là do chế biến thực phẩm sai cách xuất phát từ thói quen, sở thích ăn uống.
“Các loại đồ chiên rán ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các amin dị vòng có khả năng gây ung thư. Đồ nướng trên than như thịt xiên nướng, bún chả sẽ hình thành các hydrocarbon thơm đa vòng, đơn cử như pyrene (có trong nhựa đường và bồ hóng) gây ung thư”, GS Đức phân tích.
Nhiều người Việt cũng có tâm lý tiếc của khi ăn gạo mốc, các loại hạt mốc, đồ khô bị nấm mốc... hoặc tập quán ăn mắm tôm, dưa muối, hành muối mà không biết đây đều là những tác nhân gây ung thư.
“Ăn nóng quá, mặn quá cũng là tác nhân gây một số loại ung thư. Hay ăn nóng dễ gây ung thư thực quản, mặn quá gây ung thư đường tiêu hoá, đặc biệt là dạ dày, ruột. Ăn nhiều chất béo, mỡ động vật làm tăng tỉ lệ mắc ung thư vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt”, GS Đức dẫn chứng.
Do đó, để phòng chống ung thư, GS Đức khuyên mọi người cần từ bỏ thuốc lá, chọn thực phẩm sạch, ăn nhiều rau củ, tập luyện thường xuyên và khám sức khoẻ định kỳ, để từ đó phát hiện ung thư sớm, tỉ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn.
Tuy nhiên GS Đức thừa nhận, dù biết thực phẩm là nguyên nhân chính gây ung thư nhưng với tình hình hiện tại, người dân không biết đâu mà tránh.
“Cứ nói rau sạch, thịt sạch nhưng người dân muốn truy nguồn gốc rất khó. Rau, thịt đã vậy, ngay cả đến nguồn nước cũng không được sạch hoàn toàn” - GS Đức nói và cho biết không phải cứ mắc ung thư là dấu chấm hết. Nếu được phát hiện kịp thời, hoàn toàn có thể chữa khỏi.
“Tôi từng có người bạn mắc ung thư gan sống đến hơn 20 năm, một bệnh nhân mắc ung thư vú đến nay đã 43 năm và vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Đáng tiếc, những trường hợp đó không nhiều, còn tới 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta đều đến viện khi đã ở giai đoạn muộn. Khi đó hiệu quả điều trị sẽ hạn chế hơn”, GS Đức trăn trở./.
Thúy Hạnh/vietnamnet.vn