Mức độ ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ ở một số tuyến sông gia tăng
Ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ ở nhiều tuyến sông, rạch gia tăng
Sông Cần Giuộc có mạng lưới các kênh, rạch nhỏ như rạch Ông Chuồng, kênh Hàng, sông Cầu Tràm, sông Kinh, sông Giồng,… là nơi tiếp nhận chất thải từ các khu dân cư, chợ, nhà máy nằm dọc hai bên bờ sông thuộc địa bàn quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, TP.HCM và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Bên cạnh đó, sông Cần Giuộc cũng là nguồn tiếp nhận chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Cần Giuộc và các huyện lân cận của tỉnh. Kết quả quan trắc từ năm 2016-2020 cho thấy, chất lượng nước sông Cần Giuộc bị ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ và bị nhiễm mặn cao trong thời gian dài,...
Sông Vàm Cỏ Đông là một trong những tuyến sông chính cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Tân Trụ và Cần Đước. Đây cũng là nguồn tiếp nhận trực tiếp và gián tiếp các loại chất thải từ các hộ, các khu, cụm dân cư phát triển dọc theo hai bên bờ sông, từ các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước. Ngoài ra, nước sông còn tiếp nhận lượng chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Huệ và Tân Trụ. Chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông ngày càng có xu hướng ô nhiễm các chất hữu cơ, dinh dưỡng, nhiễm phèn nhẹ. Mặt khác, những năm gần đây, nồng độ clorua ghi nhận được trong thành phần nước mặt sông Vàm Cỏ Đông tăng cao do quá trình xâm nhập mặn.
Sông Bảo Định, chảy qua địa phận tỉnh Long An với thủy trình dài 6km rồi hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây tại TP.Tân An. Thế nhưng, nguồn nước sông Bảo Định trước khi chảy qua địa phận tỉnh phải chịu tác động khá lớn từ nước thải công nghiệp tập trung ở thượng nguồn là Khu công nghiệp Tân Hương, tỉnh Tiền Giang. “Hoạt động nông nghiệp trên lưu vực phát triển mạnh mẽ cuốn theo dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước thải chăn nuôi từ các hộ dân,... làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước sông Bảo Định” - ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ phường 4, TP.Tân An cho biết. Thực tế kết quả quan trắc từ năm 2016-2020 cho thấy, mức độ ô nhiễm dinh dưỡng và hữu cơ ở sông
Bảo Định có xu hướng ngày càng tăng cao so với các năm trước đó, đặc biệt năm 2020 có dấu hiệu ô nhiễm nặng hơn. Hay như kênh Thầy Cai có chiều dài khoảng 30km, chiều rộng khoảng 20m, bắt nguồn từ sông Sài Gòn và kết thúc tại điểm tiếp giáp sông Vàm Cỏ Đông, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và huyện Củ Chi, TP.HCM, được nối với các kênh, rạch như kênh Mương Đà, sông Làng Vần, kênh An Hạ, kênh Xáng Nhỏ (giáp sông Vàm Cỏ Đông tại khu vực Bến Lức),...
Qua tìm hiểu được biết, kênh Thầy Cai đoạn ở khu vực TP.HCM tiếp nhận nước thải từ hoạt động dân cư, nông nghiệp, các nhà máy, bãi rác Phước Hiệp (Tam Tân) và Khu công nghiệp Tân Phú Trung thuộc huyện Củ Chi. Trong khi đó, kênh Thầy Cai, đoạn qua khu vực tỉnh Long An tiếp nhận nước thải từ các khu công nghiệp gần đó với hàng ngàn mét khối/ngày đêm. Cũng từ những nguồn tác động trực tiếp này nên vấn đề ô nhiễm nước mặt chủ yếu kênh Thầy Cai là hữu cơ, dinh dưỡng và kim loại nặng như mangan và sắt. Chất lượng nước kênh Thầy Cai bị ô nhiễm vi sinh trong thời gian dài.
“Mặt nước kênh Thầy Cai ngày càng ô nhiễm. Qua quan sát bằng mắt thường cũng thấy mặt nước đen sì, thường xuyên nổi bọt và bốc mùi hôi thối” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa nói. Đặc biệt, qua tìm hiểu của phóng viên, hai vị trí gần cống xả bãi rác Phước Hiệp và gần cống cầu kênh Ranh, nơi tiếp nhận nguồn nước thải từ các khu công nghiệp và bãi rác Hiệp Phước thì tình trạng ô nhiễm càng nặng hơn.
Trong khi đó, với các tuyến kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh, kết quả quan trắc ở nhiều vị trí từ năm 2016-2020 cho thấy chất lượng nước khá thấp. Nước mặt tại nhiều tuyến kênh đã và đang bị ô nhiễm từ mức trung bình đến mức rất cao. Hầu hết thông số hóa lý đều có giá trị đo vượt mức so với giá trị giới hạn của quy chuẩn QC08. Chất lượng nước tại một số tuyến kênh bị ô nhiễm về mặt hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng. Đối với các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc các kênh: Kênh Ranh - Cụm công nghiệp Hoàng Gia, sông Rạch Dừa, sông chợ Đệm,… cũng đang gia tăng mức độ bị ô nhiễm.
Lục bình bao phủ, cản dòng chảy
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải
Theo đánh giá của ngành chức năng, vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt còn khá phổ biến tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp. Nước mặt tại một số tuyến kênh, rạch nội đồng đã và đang bị ô nhiễm từ mức trung bình đến mức cao các chất hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng.
Nguyên nhân được nêu ra vì đây là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của dân cư, các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặt khác, một số tuyến kênh nội đồng bị bồi lấp, nhiều vật cản trên kênh như rác, cỏ, lục bình làm cho quá trình tiêu thoát nước bị hạn chế và gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, vấn đề xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với giai đoạn trước.
Để bảo vệ môi trường nguồn nước mặt ở các sông, kênh trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: “Công tác quan trắc, kiểm tra chất lượng nguồn nước ở các sông, kênh, rạch được tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, kiểm tra, phát hiện, xử lý những nguồn gây ô nhiễm nặng nề. Những năm gần đây, tất cả sông lớn chảy qua địa phận tỉnh đều được thực hiện quan trắc định kỳ 3 tháng/lần đối với sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định và 2 tháng/lần đối với sông Cần Giuộc, kênh Thầy Cai và hầu hết các tuyến kênh, rạch chính trên toàn tỉnh”.
Còn theo Thượng tá Lại Văn Út - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các sự cố môi trường. Giám sát liên tục nước thải đầu ra sau hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp, các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, các cấp, các ngành trong tỉnh nhân rộng và thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường công tác quan trắc chất lượng nước sông để kịp thời nắm tình hình, có giải pháp xử lý. Các ngành chức năng của tỉnh cũng phối hợp các đơn vị của các tỉnh, thành trong lưu vực để chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường nước cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; chia sẻ số liệu quan trắc môi trường tự động các tỉnh nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường./.
"Do tác động từ sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản nên có những tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều áp lực ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, gần đây, có một số tuyến sông, kênh gia tăng mức độ ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ”. |
Lê Đức