Tiếng Việt | English

16/06/2024 - 08:25

Về lại bến xưa

Minh họa: Internet

Cả nhà anh Út ngồi ăn cơm dưới ghe. Hôm nay, có mắm cá linh chưng hành, mớ hẹ nước hái dưới ruộng, kèm thêm nắm bông lục bình bứt ngoài sông. Trời se lạnh mà ăn cơm nóng với mắm chưng thì đúng dân điệu nghệ. Thằng con chừng sáu, bảy tuổi, cắn trúng miếng ớt, mặt nhăn như Tề Thiên, phun phèo phèo xuống sông. Anh chị Út nhìn con, vỗ nhẹ nhẹ vô lưng rồi cười rung mặt nước. Cả nhà họ theo nghề thương hồ cũng được mấy năm. Mỗi ngày, anh chị Út vô vườn mua dừa khô rồi chở lên thị trấn bỏ mối. Do đi nhiều nên anh chị kiêm luôn nghề giao hàng, hễ ai cần gì chỉ cần dặn là chuyến hàng sau sẽ có. Chiếc ghe trở thành nhà, là công cụ sinh nhai của gia đình họ.

Sở dĩ anh Út phải làm nghề này vì nghịch với ông già. Ba anh thứ hai, chỉ còn chín ngón tay. Người ta nói “Thân, Tý, Thìn” tam hạp mà sao cha con anh hễ giáp mặt là gây, anh toàn bị mắng oan, trong khi cùng chuyện đó nếu các anh chị lớn làm thì không sao. Có khi anh nghĩ, không lẽ ông già chỉ có chín ngón tay nên khác người, không lẽ anh là rắn liu điu chứ không phải con rồng uốn lượn? Nhà anh nằm cặp sông, sống nhờ mấy vàm đăng. Bữa nọ, anh nhậu xỉn quên buộc rọ, cá vô rọ bao nhiêu tuôn hết ra ngoài.

Ông hai chửi không còn một chỗ, đuổi anh đi. Anh Út giận lên, đi thiệt. Anh về miệt Đồng Tháp Mười, từ đó không liên lạc với gia đình. Chỉ có bà chị ruột thứ năm thỉnh thoảng gặp anh nhờ nghề bán hủ tíu trên ghe.

Anh Út tuy ít học nhưng lại mê văn nghệ. Trong một lần cùng vài người bạn đi ngang qua chỗ cấy lúa, thấy các cô đang hò nên nhóm anh cũng tham gia cho vui. Thấy đàn ông mà không hò trước, chị Út tương lai liền ghẹo:

- Nè mấy anh ơi! Tới đây không hát thì hò/ đâu phải con cò ngóng cổ mà nghe.

Anh Út cũng đâu phải dạng vừa, anh hò đáp lại:

- Hò ơ ơ..., con cua hai càng nó bò ngang đám mít/ thấy chị em mình lấm đít tui thương.

Câu hò bạo dạn mà duyên quá chừng bởi phụ nữ xưa mần ruộng thường mặc quần đen. Cô nào mông đít lấm lem chứng tỏ làm chăm chỉ. Cũng nhờ đối qua đối lại vậy mà họ ưng nhau. Sau này anh Út kể, lúc đó anh tính thay chữ “lấm” thành chữ “lớn” nhưng sợ ăn nguyên bó mạ nên thôi. Cũng may biết tiết chế chứ nếu không, anh đã rồi "đời cô Lựu", làm gì có chuyện chị khăn gói theo anh lênh đênh thế này.

Họ vay mượn mua chiếc ghe bầu nhỏ. Anh giăng cá, còn chị nhổ bàng, đương đệm, tối về lại quấn quýt trên ghe giữa đồng nước nổi. Cá miệt Đồng Tháp Mười nhiều vô kể, nhưng bởi nhiều nên ai cũng bắt được, thành thử giá rẻ như bèo. Đương đệm hay còn gọi là đương mê, vốn là nghề của người nghèo. Người ta nói “cùng nghề đương thúng, túng nghề đương mê” là vậy. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ không có chi là sung túc, nhưng họ buông cái này bắt cái kia, làm quần quật quanh năm không ngơi nghỉ. Thỉnh thoảng, chị Út có hỏi về gia đình bên chồng, mỗi lần vậy thấy anh buồn lắm, chị biết ý nên thôi.

Anh và chị đều là những người tha hương, ai cũng mang trong mình một hoàn cảnh. Đất luôn bao dung, cho họ nguồn huê lợi để sống. Nhưng họ phải ráng sức mà làm chứ không thể ngồi chờ sung rụng. Có lẽ anh chị không thể nào quên được những đêm chơ vơ trên đồng nước Tháp Mười. Muỗi nơi này như trấu, chui vô nóp thì ngộp. Biết muỗi sợ gió nên anh chị thay phiên chống sào thật mạnh để chiếc ghe lao vun vút, lúc đó tranh thủ chợp mắt một chút, khi nào muỗi bu vô thì lại chống sào. Người ta gọi đó là ngủ mùng gió. Có khi anh Út cho nước vô ghe rồi dìm mình xuống, gác đầu lên khô, phủ lên mặt mớ cỏ. Đó gọi là ngủ mùng nước. Ngủ như vầy thì không sợ muỗi cắn nhưng phải có sức chịu đựng kinh khủng lắm mới làm được. Sống như thế mấy năm thì thằng con ra đời. Anh chị cũng gom đủ tiền để theo nghiệp thương hồ.

Làm nghề này có cái vui là chuyện trên trời dưới đất gì cũng biết. Chỉ có điều anh Út chẳng biết gì về nhà mình. Mỗi lần gặp chị năm, chị vừa kể là anh gạt ngang. Anh có cái điện thoại nhỏ, khi xài phải đập nhè nhẹ nó mới lên hình, lại còn phải cột thun kẻo nó rớt làm hai mảnh. Vậy mà chị năm xin đã đời anh mới cho số, nhưng bắt chị phải thề là không được cho ai trong nhà biết. Vậy chứ chị năm cũng lén kể cho chị Út nghe, dặn chị rảnh thì dắt thằng nhỏ về chơi, cho nó biết cội, biết nguồn. Chị Út nghe để đó chứ không dám hứa, bởi anh Út nói một là một, chẳng bao giờ qua tới một rưỡi chứ đừng nói hai.

Một bữa chị Út dẫn con lên bờ mua đồ, anh neo ghe dừa giữa chợ nổi nghe cải lương. Gió thổi hù hù làm mấy cây bẹo lắc lư. Anh Út đang thả hồn theo mấy điệu hồ quảng, chợt chị năm chạy ghe ngang hú làm anh giật mình. Nhìn điệu bộ gấp gáp của chị, anh ráng ngóng tai nghe, nhưng gió thổi mạnh quá làm át cả tiếng chị. Chị nói một câu dài thoòng mà anh Út chỉ nghe được chữ “chết” cuối cùng. Hoảng hồn, anh la lớn:

- Ai?

- Ba!

Anh Út chết trân, ngồi phịch xuống. Chị năm từ từ lái ghe vô, chợt phía sau một chiếc tắc ráng ào ào xông tới, chị chới với không kịp quẹo, theo đà chiếc tắc ráng mà chạy. Chị ra dấu cho anh Út “có gì điện thoại”. Anh thò tay vô túi lấy cái điện thoại ra, vô thức đập như mọi ngày. Nhưng hôm nay nó không lên, nó như tâm hồn anh bây giờ, đã chết. Anh Út chẳng nói chẳng rằng đập mạnh nó xuống ghe, bể nát. Chị Út về, chưa bao giờ chị thấy anh thảm như bây giờ. Anh nói gọn lỏn:

- Ba mất rồi. Về thôi!

Gia đình anh khăn gói về quê. Đó là lần đầu tiên chị Út ra mắt nhà chồng, nhưng đâu ngờ đó là ngày tang tóc. Hơn mười năm qua, họ biệt xứ mù khơi, trong lòng luôn có một nỗi buồn khó tả. Mỗi khi vào vườn nhà nào đó mua dừa, nhìn những ông bà cụ mà họ thèm gọi ba, gọi má. Có khi nào họ đem danh dự và tình thương ra cân đo, xem thử cái nào nặng hơn, để rồi hôm nay phải buồn, phải khổ? Có khi nào họ dám gọi về nhà, hay chí ít hỏi chị năm xem ba má ra sao? Có lẽ họ không biết rằng, sĩ diện đôi khi cần đặt lên đầu, cũng có khi cần xem nó như cơn gió trời, muốn thổi đi đâu cũng được. Anh Út giao ghe cho chị lái, suốt quãng đường, anh chỉ gác tay lên trán. Thằng nhỏ biết ông nội mất, nhưng nó đâu giống cha, có gặp ông bao giờ đâu mà thương, mà nhớ.

Ghe đi qua con kênh dẫn về nhà, anh Út nhìn từng cụm dừa nước, từng cây bần ngày nhỏ thường tắm sông. Đó, chỗ đó là nơi anh với ba đi vớt rong, ba đạp bóng đèn chảy máu từ bờ sông về tới nhà. Đó, chỗ đó là nơi anh với ba đi nhổ rau mác, gặp tổ ong "nùi giẻ" to như cái thúng, ba chẳng sợ hiểm nguy lấy thân che cho anh. Mười năm, mười năm rồi. Anh từ một chàng trai mà nay tóc đã chớm vài sợi bạc. Còn tóc ba anh? Ôi! Tất cả đã muộn rồi!

Ghe bầu cập sát bến quê, anh Út cột ghe rồi dắt vợ con vô nhà. Khói bếp bay lên, mọi người lúp xúp nhộn nhịp. Bà hai thấy anh, la lên:

- Thằng Út, thằng Út về bây ơi!

- Má! Con về rồi nè. Con xin lỗi má!

Anh Út ôm má khóc nức nở. Giờ đây tiếng khóc của anh mang nhiều ý nghĩa quá. Là nhớ thương? Là tiếc thương? Là mong chờ? Là hối hận? Trong màn lệ nhòa, anh thấy dáng ba quen thuộc, ông đứng đó, nhìn đứa con lưu lạc trở về. Rồi như thấy có gì sai sai, anh buông má ra để nhìn cho kỹ. Trời hỡi, ba anh còn đây chứ chết bao giờ. Anh quay phắt qua hỏi chị năm:

- Sao bà nói ổng chết?

- Ủa? Tao nói hồi nào?

- Hồi bữa trên chợ đó.

- Đâu có, tao nói về lẹ để hết.

- Hết cái gì?

- Tiền chứ gì. Nhà nước phóng đường ngay đất mình, đền bù quá trời tiền. Ba má nói tao kêu mày về chia.

- Trời đất ơi cái con mẹ xí xọn này! Sao không nói rành?

- Tao kêu mày điện thoại sao mày không điện rồi chửi tao?

- Vậy bữa nay đám ma ai?

- Đám ma đâu. Đám giỗ bà nội mày đó. Đi riết lú hả mậy?

Anh Út thở ra một cái phào. Thì ra tại cơn gió sông. Anh đứng ngẩn ngơ còn mọi người thì cười nắc nẻ. Ông hai nói:

- Về rồi thì ở nhà đi. Đường người ta mở cặp kênh, mình còn đất, vợ chồng con cái ra đó cất nhà rồi muốn bán buôn gì thì bán.

Nói rồi, ông dẫn cháu nội đi chơi, để anh Út đứng mình ênh quê xệ. Thằng nhỏ chẳng biết lạ quen, nắm ngón tay còn hai lóng của ông nội không rời./.

Về bến nước xưa

Mẹ thường nhắc về cái bến sông nhỏ nằm bên dòng sông chảy thẳng. Tôi hỏi mẹ cái bến sông ấy có gì vui để mẹ cứ nhắc nhớ suốt một đời.

Châu Thanh

 

Chia sẻ bài viết