Tiếng Việt | English

19/10/2017 - 02:25

Về một phụ nữ dũng cảm đấu tranh cho nữ quyền

Quyển sách Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng có đề cập đến Báo Phụ Nữ Tân Văn ra đời ngày 02/5/1929 và nhanh chóng được mọi giới tán thưởng không chỉ phổ biến rộng ở Nam kỳ mà còn được độc giả hai miền Bắc, Trung đón nhận với nhiều tình cảm tốt.

Chân dung nhà báo Nguyễn Thị Kiêm, tức nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh (Ảnh tư liệu, chụp lại)

Tờ báo phản ánh một xu hướng thiên về đại chúng, đề cập đến những vấn đề thường nhật với các đề mục thường xuyên: Ý kiến chúng tôi đối với thời sự; Vấn đề giải phóng phụ nữ Việt Nam; Phụ nữ và gia đình (gia chánh);...

Đặc biệt, ở báo này nổi lên một nữ phóng viên “gây bão” là Nguyễn Thị Kiêm, làm thơ với bút danh Nguyễn Thị Manh Manh, quê gốc Gò Công, sinh tại Sài Gòn, học ở Trường Áo Tím Sài Gòn (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), mới tốt nghiệp diplôme đã đi vào làng báo và nổi tiếng về các cuộc diễn thuyết cổ súy phong trào Thơ Mới dù bị nhiều đồng nghiệp trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn chế giễu, mỉa mai rằng phụ nữ mắc bệnh... lắm lời; có người còn làm thơ, vẽ tranh châm biếm đăng Báo Phong Hóa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhưng cô gái mang bút danh một loài chim hay hót/hót hay ấy vẫn viết bài đăng đều đặn trên các báo: Phụ Nữ Tân Văn (1933-1934), Nữ Lưu, Công Luận (1936),... với lời lẽ sắc sảo bênh vực nữ quyền. Cô còn đi Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định diễn thuyết với các đề tài: Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến; Một ngày của người đàn bà tiên tiến; Có nên tự do kết hôn chăng? Nên bỏ chế độ đa thê chăng?... gây nhiều tiếng vang trong dư luận các giới.

Bác sĩ Trần Văn Đôn - Hội trưởng Hội Khuyến học Sài Gòn, nói: “Lịch sử Hội Khuyến học 25 năm trời, lần này mới có nữ sĩ đăng đàn diễn thuyết”. “Nữ sĩ xứng đáng với danh hiệu “nữ tiên phong Thơ Mới ở Nam kỳ và trên cả nước” (báo Mai). Có người còn nhận xét về cô: “Một thiếu nữ diễn thuyết lưu loát, hùng hồn, đôi khi châm biếm duyên dáng, tế nhị, có khả năng lôi cuốn, thuyết phục người nghe”; “Một thiếu nữ mà nói chuyện Thơ Mới. Một chiến sĩ đòi giải phóng phụ nữ, đòi bình quyền với nam giới”; hay “Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam, khinh nữ, tảo hôn, đa thê..., bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới”. Bên cạnh sự đồng tình và tán dương trên, theo tác giả Nguyễn Tà Cúc(*), Báo Phong Hóa còn đăng bài của Tứ Ly (nhà văn Hoàng Đạo) châm biếm một cách chua cay... Nhà thơ Tú Mỡ còn “chơi” một bài lục bát khá dài châm biếm nữ sĩ Manh Manh: “... Tiếng oanh the thé vang trời/ Nay đòi giải phóng, mai đòi tự do/ Thị thành dậy tiếng reo hò/ Bên trai bên gái cầu cho bình quyền/ Mắm môi bẻ gãy tòa quyền/ Giang tay giật lấy nữ quyền xem sao/ Báo chương vận động hô hào/ Một phen sôi nổi ồn ào bốn phương/ Làm cho rõ mặt phi thường/ Chị em long lộn trên đường văn minh…”. Có nhà thơ còn viết bài châm biếm nhà báo Nguyễn Thị Kiêm... “mắc bệnh nặng”: “Bệnh lắm lời” và “mắc bệnh sốt rét nói mê nói sảng”,... Tác giả Nguyễn Tà Cúc nhận xét: “Tự Lực Văn Đoàn (chỉ tuyền đàn ông) không tin các nữ đồng nghiệp lại có khả năng bằng hay hay hơn họ trong sự cải cách những vấn đề liên quan đến phụ nữ, từ y phục cho đến xã hội, vì họ chưa thể chấp nhận được một phụ nữ “tân tiến” có học, cùng xông pha trường văn trận bút theo kiểu Nguyễn Thị Kiêm”.

Đến đây, xin trích vài đoạn văn diễn thuyết của Nguyễn Thị Kiêm: “Đàn bà muốn nam hóa thì cứ việc nam hóa, mà đâu có nam hóa được hết, và đâu có thể bỏ hẳn được cái bổn sắc của mình. Nhà nữ khoa học sẽ làm cho khoa học nên thơ. Nhà nữ văn học sẽ làm cho tư tưởng thêm ngộ. Nhà nữ tác giả sẽ làm cho nghĩa lý thêm duyên. Mà rồi mỗi thể trong văn học (genre littéraire) sẽ đều có cái vẻ dịu dàng êm ái, cái vị phong phú, thanh tao của đàn bà. Và, bây giờ ta mới thấy ở văn học nữ lưu có phong trào nam hóa, mà từ trước đến nay, ở bên nam giới đã có bao nhiêu sự nữ hóa về văn chương? Đàn bà muốn học cái cứng cỏi của đàn ông cũng chưa bớt cái uyển chuyển của đàn bà. Đàn bà muốn có cái khách quan của đàn ông, thì đàn ông cũng vẫn mượn được cái chủ quan của đàn bà chớ sao? Nhưng đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà cảm mến văn chương, thì nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm… Kinh Phật có câu “Tự giác nhi giác tha” nghĩa là tự sáng mình để sáng người. Người đàn bà cũng có cái tinh thần phải tự giác để chiếu sáng ra ở chung quanh mình, cho gia đình được êm đềm phong phú, cho xã hội được rực rỡ quang minh”.

Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, đọc tư liệu trên đây để thấy, cách chúng ta chưa tới một thế kỷ, nam giới và nữ giới hãy còn “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Ngày nay, nữ giới chúng ta sống dưới chế độ XHCN hoàn toàn được giải phóng, bình đẳng, bình quyền mọi mặt với nam giới. Trên lĩnh vực nào cũng có người phụ nữ đại diện xứng tầm mà thời đại đã dành cho họ. Từ phụ nữ là nhà lãnh đạo đến phụ nữ là nhà khoa học, nhà giáo dục học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo xông pha “trường văn trận bút” một cách chuyên nghiệp khiến nam giới ai nấy phải nể trọng chứ không dám “rẻ rúng” đồng nghiệp của mình. Và bây giờ, nếu các cụ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn tái sinh, hẳn các cụ cũng sẽ sánh vai cùng các đồng nghiệp nữ đi trên con đường sự nghiệp của mình như lớp người cùng thời mà không hề có mặc cảm gì!

Quang Hảo 

Chia sẻ bài viết