Bài 2: Sự thật hãi hùng khi bị dụ sang Campuchia làm việc
Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi 18 đến dưới 40, gia cảnh khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống gia đình.
Vỡ mộng
Thời gian gần đây, nhiều nạn nhân bị rủ rê, lôi kéo sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” đã phải tìm cách tháo chạy về nước. Đỉnh điểm là vào ngày 18/8/2022, sự việc hơn 40 người Việt làm trong một casino ở Campuchia bỏ chạy, bơi qua sông ở biên giới về tỉnh An Giang, có người đã thiệt mạng càng cho thấy những lời hứa “việc nhẹ, lương cao” chỉ là lừa đảo.
Nhiều người sau khi bị lừa sang Campuchia làm việc trái phép được cơ quan chức năng hỗ trợ đưa trở về nước
Những ngày gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh và Long An tiếp nhận nhiều người lao động Việt Nam làm việc trái phép ở Campuchia trở về. Trong đó, có nhiều người qua Campuchia theo những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”.
Qua ghi nhận, vào tối ngày 22/9/2022, tại khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, ngành chức năng tiếp nhận 34 lao động Việt Nam làm việc trái phép tại Campuchia từ lực lượng nước bạn. Trong số công dân được bàn giao, có 28 nam và 6 nữ, hộ khẩu thường trú tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Qua kiểm tra sơ bộ, 28 người có giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số còn lại không có bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào.
Theo lời khai của các công dân này, trước đó, vì tin theo các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội “việc nhẹ, lương cao” nên sang Campuchia làm việc. Tuy nhiên, khi vào làm việc thì không được trả lương. Gần đây, chính quyền Campuchia tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát tại các công ty (Cty) có người nước ngoài làm việc bất hợp pháp nên nhân cơ hội này đã nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ, đưa về.
Với vẻ mặt mệt mỏi, bần thần, em N.C.K. (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cảnh báo mọi người không tham gia app tìm việc online và nghe những lời dụ dỗ, hứa hẹn sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, chỉ cần ngồi bấm điện thoại cũng có nhiều tiền. “Thời gian qua, làm việc tại một casino ở bên Campuchia, em liên tục bị bắt làm việc từ 15 - 17 tiếng mỗi ngày. Nếu làm không đạt chỉ tiêu theo quy định thì sẽ bị đánh” - N.C.K. kể.
Em L.T.K.O. (xã Tân Thạnh, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) kể, những ngày đi theo lời lôi kéo sang Campuchia là nỗi kinh hoàng, khi không đạt theo yêu cầu của các đối tượng thì sẽ bị bán cho Cty khác hoặc bị đánh đập, nếu muốn được thả về thì phải liên lạc với gia đình chuyển tiền sang chuộc.
“Đừng nhẹ dạ, cả tin, những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” chỉ là cái bẫy mà các đối tượng lừa đảo giăng ra mà thôi. Nếu đi theo sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của mua, bán người, bị đánh đập, tống tiền” - L.T.K.O. khuyến cáo.
“Đi dễ, khó về”
Còn với K. (22 tuổi, quê xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), đến giờ còn cảm thấy hoảng hốt khi nhớ lại lần bị các đối tượng lừa gạt, lôi kéo sang Campuchia để làm “việc nhẹ, lương cao”. K. kể, đầu tháng 11/2021, thấy một tài khoản Facebook tuyển nhân viên văn phòng, lương 1.200 USD/tháng nên nhắn tin đăng ký. Một tuần sau, thông qua mạng xã hội, K. được hướng dẫn đến ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ và gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi. Từ đó, K. được người này đưa xuất cảnh trái phép trót lọt sang Campuchia. Ở xứ người, K. được nhóm người đến tiếp nhận và đưa vào làm trong một Cty ở TP.Ba Vet, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.
Bộ đội biên phòng làm việc với một trường hợp lao động trái phép ở Campuchia trở về nước làm việc
K. cho biết: Tại đây, em được bố trí làm việc trên máy tính. Thế nhưng, do không làm được công việc này nên em bị một nhóm người bắt nhốt lại, đánh đập. Những ngày đó, em cứ nghĩ sẽ chết. Sau đó, những người hung dữ này bắt em gọi điện thoại thông báo cho gia đình chuyển hơn 30 triệu đồng sang chuộc, nếu không sẽ bán cho Cty khác. “Tuy nhiên, trong một đêm bị nhốt vào đầu tháng 12-2021, em đã trốn thoát ra ngoài, tìm đường ra biên giới để về Việt Nam. Sau đó, em gặp được bộ đội biên phòng và đưa về nhà” - K. kể tiếp.
Em L.N.T.O. (15 tuổi, quê xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) là nạn nhân của những đối tượng lừa gạt, môi giới sang Campuchia làm việc trái phép. Tuy nhiên, T.O. may mắn khi thoát được, trở về. Nhớ lại những ngày khủng khiếp đó, L.N.T.O. nói: “Đó là bài học đắt giá của cuộc đời mà em suýt phải đánh đổi bằng tính mạng. Mong rằng, những người khác cần tỉnh táo, cảnh giác với những lời dụ dỗ, rủ rê vượt biên trái phép sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao””.
Ngày 14/5/2022, nghe theo lời người lạ trên mạng xã hội, em T.O. trốn gia đình rồi bắt xe lên TP.HCM. Theo hướng dẫn, T.O. được một người chở đến Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, em được một nhóm người tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia và bố trí vào làm việc trong sòng bạc. “Vào làm việc, em được những người quản lý hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram,... hoặc tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trực tuyến” - em T.O. nói.
Vì không thành thạo vi tính nên T.O. làm việc chậm chạp, sau đó bị uy hiếp, giam giữ. Em bị bán sang Cty thứ 2. Nơi đây, em tiếp tục công việc như ở Cty đầu, họ yêu cầu phải tuyển 50 khách hàng trong vòng 1 tháng. Làm được 1 tuần thì em không đủ khả năng, họ bắt em phải liên lạc với gia đình để chuộc và số tiền lần này là 3.800 USD (gần 100 triệu đồng tiền Việt Nam).
Nhận được điện thoại báo tin, mẹ của T.O. ở quê chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền để gửi sang cho các đối tượng nhưng vẫn không đủ. Sau đó, gia đình được một mạnh thường quân cho tiền để gửi cho các đối tượng. Sau khi nhận được số tiền 3.500 USD, vào ngày 01/7/2022, em được các đối tượng thả ra và trở về Việt Nam sum họp với gia đình. Theo T.O., tại 2 Cty còn có nhiều trường hợp người Việt Nam sang làm việc theo lời rủ rê, lôi kéo “việc nhẹ, lương cao”.
(còn tiếp)
Vũ Quang