Bài cuối: Chủ động phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép và tội phạm mua, bán người
Để phòng, chống xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép và tội phạm mua, bán người, các cấp, các ngành thường xuyên chủ động thực hiện các giải pháp.
Bộ đội biên phòng làm thủ tục tiếp nhận những lao động làm việc trái phép ở Campuchia trở về nước
Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người. Theo đó, các cấp, các ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo và nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người. Thường xuyên xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình phòng ngừa tội phạm có hiệu quả như Zalo phòng, chống tội phạm; Móc khóa tiếp nhận thông tin về an ninh, trật tự (ANTT); Khu nhà trọ công nhân văn hóa; Camera giám sát ANTT; Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới;...
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, nhất là công tác quản lý cư trú; quản lý XNC, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; thường xuyên rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT (các quán bar, karaoke, massage, vũ trường,...) và khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, địa bàn giáp ranh - nơi tội phạm thường xuyên lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua, bán người.
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, các đối tượng nổi lên, có tiền án, tiền sự về tội danh mua, bán người để chủ động phòng ngừa với phương châm "Phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở". Chủ động nắm tình hình liên quan đến mua, bán người trên không gian mạng để tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua, bán người. Tiếp nhận kịp thời tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố về tội phạm mua, bán người và khẩn trương triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu (ĐBP CK) Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), đơn vị thường xuyên tăng cường phối hợp các lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt biên giới, ngăn chặn XNC trái phép, phòng, chống tội phạm mua, bán người; thực hiện các chuyên án điều tra, bắt giữ các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người XNC trái phép. Đồng thời, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm biết, hiểu các quy định của pháp luật liên quan việc XNC.
Gần đây (ngày 21/9/2022), ĐBP CK Quốc tế Bình Hiệp phối hợp UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường tổ chức tuyên truyền cho người dân về phòng, chống mua, bán người và XNC trái phép qua biên giới. Qua tuyên truyền, bộ đội BP khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân; cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc nhẹ có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc ở nước ngoài.
“Khi phát hiện hành vi mua, bán người và XNC trái phép, cần thông báo cho lực lượng bộ đội BP, các cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương nơi gần nhất” - Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên ĐBP CK Quốc tế Bình Hiệp, nói.
Cùng với các cấp, các ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong sử dụng lao động, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua, bán người. Phối hợp các đơn vị có liên quan và địa phương quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua, bán người, dễ bị các đối tượng mua, bán người lừa gạt. Đó là những người trong độ tuổi lao động nhưng không có cơ hội việc làm tại địa phương, mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người nghèo hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hôn nhân đổ vỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình, người thiếu hiểu biết, có xu hướng đi làm xa,...
Bên cạnh nhiều giải pháp thì việc truy tố, đưa ra xét xử các đối tượng có hành vi tổ chức đưa, rước người XNC trái phép cũng sẽ tạo sức răn đe rất lớn. Thời gian qua, tòa án 2 cấp ở tỉnh đưa ra xét xử một số đối tượng tổ chức đưa, rước người XNC trái phép qua biên giới. Ngày 19/7/2022, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Hưng tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép đối với bị cáo Đặng Phương Em (SN 1987, ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng). Trước đó, bị cáo Đặng Phương Em bị TAND huyện tuyên phạt mức án 7 năm 6 tháng tù giam về tội đưa người xuất cảnh trái phép nhưng chưa đưa đi chấp hành phạt tù. Tổng mức án cho 2 tội danh trên là 9 năm tù giam.
Cũng trong tháng 7/2022, TAND tỉnh đưa ra xét xử 10 đối tượng trong đường dây tổ chức người XNC trái phép. Các đối tượng đã 3 lần tổ chức cho gần 30 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Các đối tượng thừa nhận móc nối với một đối tượng không rõ lai lịch bên Campuchia để tổ chức xuất cảnh trái phép với thỏa thuận tiền công 2 triệu đồng/người. Theo đó, mức án mà tòa tuyên cho tất cả 10 bị cáo cộng lại là 71 năm tù giam./.
Vũ Quang