Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Sáng 30/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tạp chí Tiền tệ châu Âu phối hợp tổ chức Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực.
Diễn đàn là cơ hội chuyển tải thông điệp của Chính phủ Việt Nam về môi trường đầu tư và thông tin cập nhập về cơ hội kinh doanh giữa lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp trên thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nghèo đói và kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thuộc Nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Trong giai đoạn 1986-2010, Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao, bình quân GDP tăng khoảng 7%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vừa qua, nhưng trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân đạt khoảng 6%/năm, theo hướng tăng dần qua từng năm, trong đó năm 2015 dự kiến đạt trên 6,5%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương liên tục và khá cao trong giai đoạn này.
Theo báo cáo của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trên thế giới trong suốt 20 năm qua.
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh. An sinh xã hội và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Trong đánh giá tổng kết thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), tháng 9/2015 tại New York, Việt Nam là quốc gia được đánh giá là hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu MDGs.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng nhanh hơn; lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Kim ngạch thương mại tăng bình quân khoảng 12-15%/năm, đến năm 2020 dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 600 tỷ USD. Đời sống của 90 triệu người dân Việt Nam được nâng lên, sức mua và quy mô thị trường Việt Nam ngày càng tăng; tính đến cuối năm 2014, GDP bình quân đạt 2.200 USD/người, tính theo ngang giá sức mua - PPP - đạt trên 5.600 USD.
Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ và số vốn giải ngân đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2014. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn đến từ châu Âu, đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đang cùng các nước thành viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. ASEAN-một thị trường năng động với quy mô 625 triệu dân, với GDP khoảng 2.500 nghìn tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng khá cao, dự kiến đến năm 2030 tổng GDP của ASEAN sẽ đạt 10.000 tỷ USD.
Việt Nam đã ký 8 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và đầu năm 2015 đã ký các FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU).
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán và dự kiến ký Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2015; đến nay đã cơ bản kết thúc đàm phán với 11 nước đối tác về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, các Hiệp định FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.
“Tuy nhiên, Việt Nam hiểu rõ rằng những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; còn có thể đạt được cao hơn, tốt hơn; môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức và tranh thủ hiệu quả các cơ hội thuận lợi cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Nhấn mạnh các chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực và phù hợp với chiến lược và yêu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ những vấn đề lớn liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh; việc đầu tư hạ tầng theo hình thức công-tư PPP; vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (tập trung vào cải thiện khuôn khổ pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là khâu thực thi), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng.
Nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định về đầu tư đối tác công-tư PPP, Nghị định về chứng khoán và nhiều Luật khác đang tiếp tục được xây dựng và ban hành trong năm 2016 với các ưu đãi cụ thể.
Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng... ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2016 và nhiều khả năng năm 2015 Việt Nam cũng có thể đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN-4.
Thời gian tới, việc ký và triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, cạnh tranh ở tầm mức cao hơn trong khu vực.
Về đầu tư hạ tầng theo hình thức công-tư PPP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một đột phá trong chiến lược phát triển. Việt Nam thực hiện chương trình cải cách đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi cho tư nhân trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với ưu tiên cho các dự án có công nghệ cao, có công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.
Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP đã có hiệu lực sẽ tạo tiền đề để mở ra cơ hội thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Việt Nam đang cập nhật và sẽ sớm công bố với các nhà đầu tư Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước, xử lý chất thải, hạ tầng đô thị lớn...
Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, qua hơn 20 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, từ số lượng hơn 12.000 doanh nghiệp nhà nước đã giảm khoảng 90%. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hầu hết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa này đều phát triển về quy mô và kinh doanh hiệu quả.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước. Riêng từ năm 2011 đến tháng 9/2015, Việt Nam đã cổ phần hóa được 350 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến trình này. Trong thời gian tới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán.
(Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Đây là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam và Việt Nam khuyến khích các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, M&A trong thời gian tới.
Trao đổi về thị trường tài chính Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với quy mô còn khiêm tốn, Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Việt Nam đã ban hành và thực hiện quy định về mở rộng tỷ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng từ 49% lên 100% cùng nhiều nội dung mang tính “mở” và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia...
“Diễn đàn này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam gặp nhiều cơ hội và thách thức đan xen, chuyển hóa lẫn nhau. Với nỗ lực của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất những tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam, chúng tôi luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi. Đối với các doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), chúng ta thật vui mừng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sắp được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho sự hợp tác thành công,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ
Theo chương trình, Diễn đàn sẽ diễn ra trong ngày 30/9. Sau phiên khai mạc, Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận theo 7 chủ đề lớn là Việt Nam-Tăng trưởng trên đà tăng tốc; Triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài; Sự phát triển của các thị trường vốn; Cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước; Lĩnh vực bất động sản; Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và Tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng điện.../.
Thiện Thực/Vietnam+