Tiếng Việt | English

11/07/2022 - 21:12

Việt Nam là nước an toàn nhất Đông Nam Á về tài chính trực tuyến

Kaspersky Lab đánh giá Việt Nam là nước “an toàn nhất” Đông Nam Á trước các đe dọa tấn công tài chính nhằm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến (mua sắm online).


Ảnh minh họa. (Nguồn: datalinknetworks.net)

Hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật hàng đầu Kaspersky Lab (Nga) đánh giá Việt Nam là nước “an toàn nhất” Đông Nam Á trước các đe dọa tấn công tài chính nhằm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến (mua sắm online).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik mới đây, ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky Lab - cho biết những thống kê gần đây của hãng này cho thấy tỷ lệ các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng điện tử ở Việt Nam thấp hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á, trong khi ở Việt Nam là 26,36%; thì tại Indonesia là 40,87%; Malaysia 46,77%; Philippines 64,03%; Singapore 51,6%; Thái Lan 56,35%...

Những tỷ lệ phần trăm nói trên được tổng hợp từ dữ liệu ẩn danh, dựa trên việc kích hoạt thành phần tất định trong hệ thống Chống lừa đảo của Kaspersky Lab trên các máy tính của người dùng.

Thành phần này phát hiện tất cả các trang có nội dung lừa đảo mà người dùng đã tìm cách mở bằng cách nhấp vào liên kết trong thư email hoặc trên web, trong trường hợp các liên kết đến các trang này có trong cơ sở dữ liệu của Kaspersky Lab.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trước các cuộc tấn công tài chính nhằm vào ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến, ông Yeo Siang Tiong cho biết sự gia tăng các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian đại dịch diễn ra song song với sự gia tăng các âm mưu lừa đảo, bằng việc sử dụng các trang mạo danh các hệ thống thanh toán phổ biến như Visa, Mastercard, PayPal...

Chiếu theo những con số đáng chú ý của Việt Nam trong khu vực, có thể thấy việc giao dịch, mua sắm trực tuyến của người dùng ngày càng được cải thiện.

Điều này có thể là do nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức về an ninh tài chính và dữ liệu trong bối cảnh ngân hàng di động và ví điện tử trong khu vực phát triển mạnh.

Báo cáo Fintech and Digital Banking 2025 khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã lưu ý rằng giao dịch trên thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 300% vào năm 2025, nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đặt ra các mục tiêu phát triển Chính phủ số với các giải pháp cụ thể như phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thanh toán kỹ thuật số; phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các điều kiện nhằm đáp ứng những yêu cầu về an ninh mạng để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Ông Yeo Siang Tiong cho rằng với những nỗ lực trên, Việt Nam chắc chắn đã sẵn sàng tiến tới chuyển đổi số nhanh chóng, đồng thời được trang bị để đảm bảo một môi trường tài chính an toàn hơn cho các tổ chức và cá nhân do có cơ sở hạ tầng mạnh và sự chia sẻ thông tin về mối đe dọa./.

Thọ Anh (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết