Tiếng Việt | English

26/12/2022 - 15:40

Vĩnh Hưng lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) được các cấp, các ngành huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An duy trì và phát triển với nhiều nội dung, hình thức, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Phong trào TDBVANTQ có bước phát triển sâu, rộng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình của từng địa bàn và đối tượng. Năm 2022, Công an huyện phối hợp Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh duy trì chuyên mục ANTT - An toàn giao thông, phát 53 kỳ chuyên mục; tuyên truyền qua mô hình Tiếng loa ANTT được 108 lần; tuyên truyền 750 cuộc qua mô hình Điểm tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tiếp nhận thông tin về ANTT. Công an các xã, thị trấn tuyên truyền miệng 219 cuộc, có gần 1.100 lượt người dự; tuyên truyền cá biệt được 426 cuộc; gắn 8 panô, phát trên 1.500 tờ rơi thông tin về ANTT;… Nội dung tuyên truyền về tình hình, phương thức hoạt động của các loại tội phạm; công tác bảo đảm ANTT các ngày lễ, tết, sự kiện lớn của đất nước, từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân

Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Bàu Sen, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng, người dân cảnh giác hơn với các loại tội phạm, chủ động cung cấp các nguồn tin để lực lượng chức năng nắm biết, xử lý tội phạm. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn được giữ vững”.

Theo Thượng tá Lê Thanh Thủy - Trưởng Công an huyện Vĩnh Hưng, qua việc đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ, giúp đỡ lực lượng công an trong công tác bảo đảm ANTT. Năm 2022, quần chúng nhân dân cung cấp 418 nguồn tin, trong đó có 230 tin giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, làm rõ, xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến ANTT.

Nhiều mô hình hiệu quả

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, Công an huyện còn xây dựng, nhân rộng mô hình tự quản tại các địa bàn dân cư và trong cơ quan, trường học như Cổng phòng, chống tội phạm; Ánh sáng ANTT; Nhà nhà tự quản, người người phòng, chống tội phạm; Liên gia tự quản; Nhà trọ an toàn về ANTT; Tiếng loa ANTT; Camera giám sát ANTT; Đội dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới. Đặc biệt, mô hình Điểm tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tiếp nhận thông tin về ANTT mang lại hiệu quả, được Công an tỉnh nhân rộng trong toàn tỉnh. Ngoài ra, Công an huyện còn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở, hiện trên địa bàn huyện có 1 ban, 8 tổ dân phố với 39 thành viên; 46 ban, 219 tổ ANTT nông thôn với 617 thành viên; 49 đội dân phòng với 216 thành viên.

Mô hình Điểm tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tiếp nhận thông tin về an ninh, trật tự mang lại hiệu quả, được Công an tỉnh tổ chức nhân rộng trong toàn tỉnh

Bên cạnh đó, Công an huyện mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội. Năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 30/42 vụ vi phạm pháp luật, giảm 28% so với năm 2021 (trong đó, tội phạm về trật tự xã hội 20/19 vụ, tội phạm về ma túy 5/12 vụ, tội phạm về kinh tế 3/4 vụ, tai nạn giao thông 2/3 vụ).

“Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TDBVANTQ; thường xuyên lắng nghe, nắm và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Tiếp tục củng cố, nhân rộng các mô hình hiệu quả, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;...” - Thượng tá Lê Thanh Thủy thông tin./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết