Hành trình chùa Hương mùa không lễ hội - Ảnh: Thủy OCG
Không vô cớ khi chùa Hương nằm cách Hà Nội chưa đầy 50km đường lại được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”, một vùng đất sơn chầu thủy tụ với những người nông dân chân lấm tay bùn, chăm chỉ đồng áng, nuôi trồng đầm phá, làm du lịch tự phát nhỏ lẻ, chân chất và mộc mạc.
Tất cả điều đó mang lại cho chúng tôi một sự thỏa mãn không hề nhẹ, đến mức các bạn đồng hành phải thốt lên nhất định sẽ quay lại chốn này vào các mùa khác nhau.
Ở đây chiều xuống “mờ nhân ảnh”
Chuyến đi bắt đầu không thuận lợi. Đường 21B từ Ba La, Hà Đông đi chùa Hương quãng giữa chiều đông nghẹt xe và người, chợ búa họp chiều tràn cả ra lề đường. Những đám mây xám nặng trĩu trên bầu trời, gợi lên những tiếc nuối cho một ngày thu nắng nhuộm vàng óng chiều qua.
Xe qua Tế Tiêu, mưa rơi lộp bộp trên kính xe khiến chiếc máy ảnh nằm yên trong balô hẳn cũng buồn rầu, ủ ê như chủ.
Đã gọi điện thoại đặt đò đón đi chụp ảnh hoa súng, thứ hoa vào mùa thu lại sốt xình xịch trên các trang mạng ở Hà Nội, chúng tôi đành hủy ngang và quyết định đi tìm quán cóc nhâm nhi chén trà. Mưa gió sụt sùi thế này, có lẽ ngồi uống chén trà chuyện vãn sẽ hay hơn.
Ngang qua bến Đục, những con thuyền nằm úp xếp dọc hai bên bờ. Vào mùa lễ hội, chùa Hương là điểm đi lễ nổi tiếng của miền Bắc, lúc nào cũng đông nghịt người, đò chen nhau chật cả suối Yến.
Nếu chưa thử đi chùa Hương trái mùa, hẳn bạn sẽ không có cái cảm giác thênh thang giữa trời mây sông nước và cảm nhận cái đẹp hư vô, ảo ảnh của chốn này.
Đường vào chùa Hương chiều mùa thu mưa bay - Ảnh: Thủy OCG
"Sương khói mờ nhân ảnh" - Ảnh: Thủy OCG
Ôtô chỉ đến cầu Long Vân - Cây Khế là hết đường. Từ đây thuê thuyền chèo tay đi dọc theo suối ra hướng Thanh Sơn - Hương Đài và cầu Hội - suối Yến. Chiều không có mặt trời và may sao chỉ lất phất mưa.
Thật không ai đi chơi như chúng tôi khi trời bắt đầu sâm sẩm tối, chị Xuân chèo đò cứ thắc mắc sao lại đi muộn thế này.
Chiếc đò nhỏ chở bốn người khách lướt đi trên con suối đầy ắp rong rêu. Trái mùa ít thuyền đi lại nên rong phát triển dày dít dưới mặt nước, chèo tay mệt và nhọc công hơn mùa lễ hội. Xung quanh suối có những đầm thả sen, hoa nở vào quãng tháng 6 hằng năm, mùa này chỉ thấy lá.
Chiều bảng lảng sương, núi non bềnh bồng hư hư thực thực. Mấy bạn đồng hành ai cũng ngân nga “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” rồi bảo ước gì chụp được khung cảnh như tranh thủy mặc ngay lúc này tại Suối Yến, chùa Hương.
Vịt Vân Đình - ăn để nhớ chùa Hương
Do không báo trước nên gia đình nhà cô Vĩnh Hằng bên đoạn suối thả hoa súng đang làm Hà Nội náo nức cũng không có đồ ăn cho khách, chúng tôi được mời uống chén trà mạn nóng hổi và ăn cả buồng chuối chín cây trứng quốc, thơm và ngọt đậm đà.
Vừa chuyện trò vừa lên kế hoạch quay lại cầu Hội - suối Yến ngủ đêm để đón một ban mai sương khói ảo mộng ở chùa Hương.
Kế hoạch vẫn không ngừng được bàn khi chúng tôi trên xe trở về Hà Nội. Đã quá giờ ăn tối, và như lộ trình của tuyến du lịch chùa Hương kinh điển, chúng tôi tìm quán ăn tối ở thủ phủ Vân Đình, huyện Ứng Hòa.
Thị trấn Vân Đình trải dài dọc quốc lộ 21B với vô số biển hiệu quán ăn đã làm nên thương hiệu của vùng: vịt.
Một số quán ăn còn đưa hẳn logo VTV1 hay VTV3 lên biển, và khi được hỏi lý do vì sao thì nhân viên quán cho biết vì các kênh truyền hình này từng về đây quay phim và làm chương trình về món vịt Vân Đình!
Trước đây, món vịt Vân Đình nổi tiếng có nguồn gốc từ “vịt cỏ”, một loại vịt nhỏ, thơm ngon, thịt ngọt, chắc, nhưng do tính kinh tế thấp nên dần dà bà con không nuôi vịt cỏ nữa mà chuyển sang nuôi vịt bầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.
Vịt bầu lại được nuôi công nghiệp, tất nhiên không thể ngon như vịt cỏ, nhưng không phải vì thế mà món vịt Vân Đình trở nên bớt khách.
Vào những ngày cuối tuần, hai bên đường cái quan chạy ngang thị trấn này rất nhiều khách hàng dừng đỗ xe để thưởng thức món đặc sản của đồng quê.
Vịt Vân Đình luộc - món ngon kinh điển - Ảnh: Thủy OCG
Vịt Vân Đình nướng thơm lừng - Ảnh: Thủy OCG
Có khá nhiều món ăn được chế biến từ vịt: luộc, quay, nướng, rang riềng, om sấu, ăn kèm bún và canh măng tiết. Chúng tôi gọi hai món vịt luộc và vịt nướng. Tất nhiên không thể thiếu bát canh măng với bún.
Vịt luộc là món nguyên thủy nhất, không được tẩm ướp nguyên liệu gì, chỉ dùng rượu, giấm và muối rửa, bóp sạch rồi cho vào nồi nước để luộc. Nghe đơn giản thế nhưng luộc được con vịt ngon hẳn không phải cứ cho vào nồi là được.
Vịt nướng ăn thấy có vị riềng, sả, thơm phức, hẳn là đã được tẩm ướp kỹ trước khi cho vào vỉ kẹp và nướng trên than hồng.
Cái quan trọng hơn cả là nước chấm. Có hai bát nước chấm, một bát mắm tỏi ớt và một bát Maggi tỏi ớt cho các thực khách tùy ý lựa chọn. Nước chấm được pha rất vừa, đủ vị mặn, ngọt, cay cay lại thơm lừng mùi tỏi băm giập giã nhỏ.
Giỏ rau sống có giá đỗ, hoa chuối, húng chó và mùi tàu là các loại rau ăn kèm không thể thiếu trong món vịt.
Cho dù là món luộc hay món nướng, miếng thịt vịt đều rất mềm, thơm ngon, ngọt lừ và béo ngậy. Không còn bụng để thưởng thức thêm món vịt om sấu hay rang riềng, đành tấm tắc hẹn ngày quay lại chùa Hương.
Có thêm một lý do để nhớ vịt Vân Đình, món quà dân dã của đồng quê./.
Thủy OCG/tuoitre online