Tiếng Việt | English

25/07/2019 - 08:50

Vụ 2 phụ huynh đánh nhau tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu: Bị cáo Trần Minh Đức lãnh 2 năm tù

Mặc dù đây chỉ là vụ án nhỏ, đơn giản nhưng lại khiến các cơ quan tiến hành tố tụng, bị cáo, bị hại và những người liên quan vất vả suốt 4 năm qua.

Bị cáo Tràn Minh Đức trong một phiên tòa xét xử

Bị cáo Trần Minh Đức trong một phiên tòa xét xử

Tòa án nhân dân (TAND) TP.Tân An, tỉnh Long An vừa đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” giữa 2 phụ huynh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP.Tân An, ra xét xử sơ thẩm sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và 1 lần hủy án. Bị cáo trong vụ án là Trần Minh Đức (38 tuổi, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An), còn bị hại là Trần Văn Phong, cũng ngụ TP.Tân An.

Điều đáng nói, mâu thuẫn giữa bị cáo và bị hại lại xuất phát từ việc tranh cãi giữa 2 phụ huynh về thành tích học tập của con trong một buổi họp phụ huynh tại trường. Mặc dù đây chỉ là vụ án nhỏ nhưng đã khiến các cơ quan tiến hành tố tụng, bị cáo, bị hại và những người liên quan vất vả suốt 4 năm qua.

Theo hồ sơ vụ án, con bị cáo Đức và con anh Trần Văn Phong học chung lớp 4 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Trong giờ học, con bị cáo Đức là cán sự lớp có nhắc nhở con anh Phong hạn chế nói chuyện riêng và học kém. Nghe con kể lại sự việc, ngày 19/9/2015, trong lúc họp phụ huynh, anh Phong có gặp chị Nguyễn Thị Thu Vân - vợ của bị cáo Đức, để nói về việc học tập của con. Khi Phong gặp chị Vân thì xảy ra cự cãi lớn tiếng, có lời lẽ khiếm nhã và dọa đánh chị Vân. Sau đó, cả 2 phụ huynh bị thầy giáo chủ nhiệm mời ra khỏi lớp để tiếp tục cuộc họp.

Do ở gần đó, bị cáo Đức chạy đến dùng nón bảo hiểm đánh vào mặt anh Phong rồi chạy xe về. Nhưng sau đó, bị hại Phong tiếp tục rượt đuổi Đức. Thấy vậy, Đức cầm khúc gỗ tràm quay lại, còn anh Phong cầm hai vỏ chai nước ngọt chuẩn bị hỗn chiến thì được lực lượng công an đến can ngăn. Anh Phong được đưa đi bệnh viện khám. Kết luận giám định xác định, anh Phong bị một vết sẹo tại sống mũi phải và bị gãy xương chính mũi với tỷ lệ thương tích 14%. Đồng thời, sau vụ việc, anh Phong có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo Đức.

Ngày 13/7/2016, TAND TP.Tân An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử. Tuy nhiên, có nhiều tình tiết trong vụ án chưa được cơ quan điều tra làm rõ nên Hội đồng xét xử TAND TP.Tân An quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đến cuối năm 2016, TAND TP.Tân An tiếp tục mở lại phiên tòa và tuyên phạt bị cáo Đức 16 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau phiên tòa, bị cáo Đức kháng cáo kêu oan. Đến ngày 22/3/2017, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, đồng thời tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.Tân An và tiếp tục yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung do quá trình điều tra ở cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng cũng như lời khai của một số nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Sau hơn 2 năm, cơ quan điều tra phải nhiều lần kết luận điều tra bổ sung cũng như vụ án phải nhiều lần thay đổi kiểm sát viên, hội đồng xét xử, ngày 19/7/2019, TAND TP.Tân An mới đưa vụ việc ra xét xử trở lại. Nếu trước đây, bị cáo Đức chỉ bị truy tố ở khoản 1 với mức án 16 tháng tù thì trong lần xét xử này, bị cáo Đức bị Viện Kiểm sát truy tố theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao hơn, ở mức từ 2-7 năm tù.

Ngày 22/7/2019, TAND TP.Tân An tiến hành tuyên án. Theo nhận định của Hội đồng xét xử TAND TP.Tân An, hành vi của bị cáo Đức có đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc bị cáo liên tục kêu oan là không có cơ sở xem xét. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội của bị cáo cũng có một phần nguyên nhân đến từ lỗi của phía bị hại. Do đó, Hội đồng xét xử TAND TP.Tân An quyết định tuyên phạt bị cáo Đức mức án 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, mức án này cũng là khởi điểm của khung hình phạt và thấp hơn so với mức đề nghị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù của Viện Kiểm sát cùng cấp.

Một vụ án nhỏ, tưởng chừng đơn giản nhưng đã khiến các cơ quan tiến hành tố tụng vất vả suốt 4 năm qua có nguyên nhân đến từ việc thiếu trách nhiệm của cơ quan điều tra khi tiến hành điều tra, giải quyết vụ án. Điều này được thể hiện bằng việc các chứng cứ trong vụ án mâu thuẫn chưa được làm rõ như bệnh án của bị hại Phong có dấu vết tẩy xóa trong bút lục, bệnh án không thể hiện bị hại Phong bị gãy xương chính mũi; lời khai của các nhân chứng tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ tại cơ quan điều tra. Khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra cho rằng, bị cáo Đức dùng nón bảo hiểm để đánh bị hại nhưng không thu hồi được hung khí là chiếc nón bảo hiểm mà bị cáo Đức dùng để đánh anh Phong gây thương tích./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết