Tiếng Việt | English

28/11/2018 - 08:36

Vụ học sinh bị tát 231 cái: “Con sâu làm sầu nồi canh”

Trong niềm vui tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 6.2, Trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bắt 23 học sinh mỗi người tát bạn cùng lớp 10 cái là một sự việc đáng buồn, hạt sạn trong bữa tiệc tinh thần tôn vinh thầy, cô giáo.

Sự việc này không chỉ làm các thầy, cô giáo, những người đang công tác trong ngành giáo dục cảm thấy buồn lòng mà còn khiến dư luận xã hội bức xúc. Đúng là “con sâu làm sầu nồi canh”.

Trong khi hầu hết thầy, cô giáo đang tận tâm, tận tụy, rực sáng ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ thì cô giáo trên đã tự tay tát mạnh vào ngành nghề “kỹ sư tâm hồn” của mình. Trong khi cả ngành giáo dục “Nói không với bệnh thành tích” thì cô giáo lý giải cho hành động đáng trách, vi phạm quy định ngành và pháp luật của mình là do “nóng tính” và “áp lực thi đua”. Vì cái “bệnh thành tích” của trường chuẩn bị đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 mà Ban Giám hiệu trường và cả Phòng Giáo dục và đào tạo huyện giấu nhẹm sự việc... Xem ra, ngành giáo dục còn phải mất nhiều thời gian, liệu pháp để “điều trị” căn bệnh thành tích đã được chẩn đoán từ rất lâu. Nếu không, căn bệnh này còn để lại nhiều hậu quả nữa.

Phạt học sinh 231 cái tát, trong đó, bắt học sinh tát bạn là một hình phạt khủng khiếp, vừa hành hạ thân thể, xúc phạm nhân phẩm, tinh thần của học sinh, vừa khiến các em khác sợ hãi, bị ám ảnh về cách giáo dục “bạo lực” của giáo viên. Phải chăng, đây là một trong những mầm mống gây bạo lực học đường? Mặt khác, cùng với vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, vụ việc này khiến dư luận lo ngại về phương pháp sư phạm của một số giáo viên.

“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

 Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhấn mạnh đến vai trò giáo dục trong giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách của trẻ em và điều này được vận dụng, phát huy trong sự nghiệp giáo dục của nước ta. Nếu phương pháp giáo dục nhuốm đầy chất bạo lực như vụ học sinh bị tát 231 cái thì sẽ tạo nên những sản phẩm giáo dục như thế nào? Vụ việc đau lòng này một lần nữa gióng lên hồi chuông cần tiếp tục chấn hưng sự nghiệp giáo dục, trong đó, chú trọng nâng cao đạo đức nghề giáo. Các thầy, cô giáo, ngoài nghề dạy chữ cần quan tâm làm đẹp danh hiệu “kỹ sư tâm hồn” của mình!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết