Bác Hồ lúc sinh thời từng nói "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Từ đó cho thấy, đức và tài đều quan trọng, nhưng trước hết, con người cần phải có đức rồi mới đến tài. Trong giáo dục, trong ứng xử, giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ thì phải lấy đạo đức làm trọng. Có một nghịch lý đáng lo ngại, xã hội ngày càng hiện đại thì con người dường như ít chú trọng đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau.
Trong giao tiếp, giải quyết các mối quan hệ thì chữ “lễ” dần bị xem nhẹ, thành ra có những biểu hiện tiêu cực: Không biết kính trên, nhường dưới, luôn đặt lợi ích cá nhân, lợi ích vật chất lên trên các lợi ích khác; đây là hồi chuông báo động! Ở một số trường, giáo viên chỉ chú trọng việc “cho chữ”, ít quan tâm vấn đề đạo đức của học sinh (một phần do không đủ thời gian với lượng kiến thức cần truyền đạt quá tải). Học sinh chỉ quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức, coi thường rèn luyện phẩm chất đạo đức.
Do vậy, hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy nhiều thông tin đáng quan ngại: Nạn bạo lực học đường, trò đánh nhau,... thậm chí đánh cả thầy! Hay việc thống kê đối tượng vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa; những cuộc ẩu đả, chém giết nhau vì những lý do hết sức vớ vẩn: Nhìn đểu, va quẹt xe,...
Gần đây có ý kiến cho rằng, nên xem lại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học. Thực tế bao năm nay, ai cũng có thể nhìn thấy những dòng chữ như vậy ở khắp các trường học, nhưng hầu hết học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo cũng chưa thực sự quan tâm. Khi các trường chỉ được đánh giá bằng số học sinh giỏi, đậu vào các trường điểm,... thì đương nhiên, tất cả giáo viên phải chạy đua để học sinh của mình đạt những điều này mà không cần chú trọng đến “Tiên học lễ...”.
Nói về điều này, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang, thuộc thế hệ 7X - thế hệ đầu tiên cắp sách đến trường sau năm 1975, cho rằng: “Câu khẩu hiệu này không mới nhưng cũng không bao giờ cũ. Và việc nó được đưa vào các trường học trở thành một khẩu hiệu là điều đáng trân trọng, vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp giáo dục.
Thế nhưng, đặt trong bối cảnh hiện nay, với hoàn cảnh giáo dục mang tính toàn cầu hóa, chúng ta cần uyển chuyển vận dụng phương châm một cách hiệu quả và thiết thực hơn, kết hợp những yếu tố mới: Tăng cường giáo dục những kỹ năng sống cần thiết; không chỉ là những bài học đạo đức hay giáo dục công dân khô cứng trên lớp mà cần có sự uốn nắn hàng ngày trong mọi hoạt động, học tập và giao tiếp với thầy cô tại trường. Ngoài ra, cũng có thể lồng ghép những nội dung này trong các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại và cần đề cao chữ “tín” bên cạnh việc giáo dục lễ nghĩa, kiến thức.
Phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” là sự kết hợp giữa giáo dục đạo đức với truyền thụ tri thức, là nguyên tắc đào tạo ưu việt mà ông cha ta đúc kết nên./.
Trần Trà