Tiếng Việt | English

05/07/2022 - 10:01

Xây dựng đô thị đồng bộ, hiện đại tạo tiền đề phát triển

Phát triển hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Long An đặc biệt quan tâm thực hiện với mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng đến phát triển các đô thị của tỉnh trở thành đô thị bền vững, đô thị thông minh, là đô thị đáng sống trong tương lai.

Đô thị Kiến Tường đang có bước phát triển mạnh mẽ thể hiện vị thế trung tâm vùng Đồng Tháp Mười

Xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại

Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 19 đô thị. Trong đó, TP.Tân An là đô thị loại II; 6 đô thị loại IV gồm thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa và 12 đô thị loại V gồm thị trấn Tân Hưng, thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Trụ, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Đông Thành, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Bình Phong Thạnh, đô thị Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông. Với các định hướng trong phát triển các đô thị cùng với việc đầu tư, hoàn thành các trục giao thông huyết mạch trong thời gian qua đã đóng góp rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là tiền đề để nâng cấp, phát triển đồng bộ hệ thống đô thị, mang lại diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn.

Thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm của khu vực Đồng Tháp Mười. Những năm qua, bộ mặt thị xã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhờ lợi thế vị trí khi có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, tuyến Quốc lộ 62 kết nối. Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, những năm qua, thị xã tập trung cho phát triển đô thị, nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm như Khu trung tâm thương mại, bờ kè, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, hệ thống đường giao thông và các hệ thống hạ tầng khác từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại III.

“Để đạt mục tiêu trở thành đô thị loại III vào năm nay và hướng tới phát triển thị xã Kiến Tường đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2030, thị xã xác định xây dựng đô thị Kiến Tường là đô thị công nghiệp, bảo đảm sự kết hợp hiệu quả giữa các mục tiêu công nghiệp hóa và các mục tiêu phát triển hậu công nghiệp, sự song hành giữa môi trường sống tốt và môi trường sản xuất công nghiệp. Đồng thời, chú trọng khai thác các giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, tạo cấu trúc đô thị thuận lợi cho việc sử dụng đa chức năng, đặc biệt là các không gian du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch đô thị nhằm nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững” - ông Nguyễn Văn Vũ khẳng định.

Đô thị Tân An được công nhận là đô thị loại II

Đô thị Tân An được công nhận là đô thị loại II

Còn tại TP.Tân An, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, diện mạo thành phố có những bước phát triển toàn diện, nhất là TP.Tân An được công nhận là đô thị loại II vào năm 2019. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển TP.Tân An cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại chính thức trở thành 1 trong 2 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Tân An lần thứ XI. Đây cũng là một trong những điều kiện để xây dựng TP.Tân An xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh và hướng đến trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, mặc dù trong những năm qua, nhiệm vụ phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật, hình thành hệ thống đô thị rộng khắp nhưng hiện kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, tốc độ phát triển đô thị của tỉnh còn chậm so với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước. Để phát triển các đô thị theo kế hoạch chung của tỉnh thì nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách phân bổ nguồn vốn riêng cho đầu tư phát triển đô thị phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngoài việc nâng chất lượng xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, hiện nay, một trong những yêu cầu mang tính cấp thiết trong quá trình phát triển đô thị là phải xây dựng hệ thống đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử nhằm thúc đẩy tốt hơn nữa quá trình phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Tập trung các giải pháp phát triển đô thị

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Trang, phát triển hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện với mục tiêu nhằm từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân. Bên cạnh đó, để phát triển hạ tầng đô thị theo hướng nhanh và bền vững, chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết những khó khăn, bất cập. Đặc biệt, cần thực hiện tốt Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gắn với định hướng phát triển các đô thị của tỉnh theo hướng đô thị bền vững, đô thị thông minh, là đô thị đáng sống trong tương lai.

TP.Tân An huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình để đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung điều chỉnh Chương trình phát triển tỉnh Long An đến năm 2030 phù hợp tình hình phát triển đô thị quốc gia được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và định hướng phát triển 3 đô thị: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc đạt tiêu chí đô thị loại III hoặc loại IV trên diện tích toàn huyện. Trong đó, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ phê duyệt các quy hoạch của dự án lớn, các dự án khu, cụm công nghiệp mới, các dự án khu dân cư, đô thị. Điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; lập kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Long An hàng năm và 5 năm, giai đoạn 2020-2025, hoàn thành việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tham mưu giải pháp quản lý 20% quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội theo quy định hiện hành; phối hợp cơ quan liên quan kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu; phát triển đa dạng hàng hóa bất động sản. Trong công tác quản lý xây dựng, chú trọng quản lý chất lượng, bảo trì công trình, nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, kiểm tra nghiệm thu; thực hiện tốt công tác quản lý giá xử lý rác thải sinh hoạt và giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; xác định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, xây dựng lộ trình thực hiện, thí điểm đối với TP.Tân An.

“Đặc biệt, Sở Xây dựng tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực này theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực dành cho hạ tầng đô thị. Chú trọng việc lập quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết bảo đảm chất lượng, làm cơ sở cho việc phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị; đồng thời, giới thiệu địa điểm, thu hút đầu tư, cấp giấy phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Trong quy hoạch đô thị phải bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận, đi trước một bước theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái hướng đến đô thị thông minh” - ông Nguyễn Văn Trang cho biết.

Trong phát triển đô thị, ưu tiên phát triển các mảng xanh, tạo không gian xanh cho đô thị

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, trước mắt cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng tầm chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị từ tỉnh đến cơ sở cũng như việc nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư theo cơ chế “một cửa điện tử” trên mọi lĩnh vực. Vận hành có hiệu quả quy trình quản lý chất lượng các thủ tục hành chính, tập trung hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng các thủ tục, vướng mắc cho những dự án đã được cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các cấp, các ngành và mỗi địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích cộng đồng xã hội và các tổ chức cùng chung tay tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, kiến tạo đô thị xanh, sạch, đẹp và hơn hết cần sự tập trung trong công tác lãnh đạo, điều hành của các sở, ngành tỉnh và chính quyền mỗi địa phương trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết