Hoạt động của ngành kiểm tra thời gian qua khá toàn diện, nhiều đổi mới, góp phần giữ gìn sự trong sạch của Ðảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng; kiểm tra, xử lý kịp thời những tổ chức Đảng, đảng viên không chấp hành nghiêm quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, đưa công tác chống tham nhũng thành một trong những trọng tâm công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay; không ít địa phương kiểm tra, giám sát chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh,... Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa xem trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát. Còn tổ chức Đảng thiếu bản lĩnh, "dĩ hòa vi quý", có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.
Thiết nghĩ, khi những hạn chế nêu trên tồn tại thì tình trạng cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống còn diễn biến. Cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đồng bộ, toàn diện hơn, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm một cách bài bản, đến nơi, đến chốn, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí,...
Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, công khai, dân chủ, chặt chẽ, trong đó, lấy phòng ngừa, xây là chính. Kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là ở các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực như quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng,.../.
Lệ Nguyên