Trái ngọt!
Trở về sau một ngày bán vé số, cơm nước xong, trời vừa sập tối, ông Nguyễn Văn Tiệm (61 tuổi), ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đến nhà văn hóa ấp nghe đờn ca, hát xướng,... Từ ngày nhà văn hóa ấp được xây dựng, nơi đây trở thành điểm sinh hoạt của câu lạc bộ văn nghệ, dưỡng sinh của ấp. Ở đây, ngoài hệ thống âm thanh còn có vài nhạc cụ, cơ bản đáp ứng sinh hoạt ca hát kiểu “cây nhà lá vườn”.
Ông Tiệm nói: “Khi nghe một số người dân trong ấp hát, tôi thấy vui. Những mệt nhoài, lo toan của cuộc sống cũng tạm vơi vì tinh thần thoải mái hơn”.
Xây dựng đời sống văn hóa cần có sự chung tay, góp sức của người dân
Không riêng người dân ấp Ao Gòn, hầu hết đời sống tinh thần của người dân ở những vùng nông thôn trong tỉnh đều khởi sắc.
“Ngoài đời sống vật chất ngày càng phát triển, người dân có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe, nhìn phục vụ đời sống tinh thần thì từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH, nhất là xây dựng ấp, xã văn hóa, một số thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Toàn tỉnh hiện có 139/192 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, trên 1.300 sân bãi, cơ sở tập luyện thể dục - thể thao phục vụ đời sống tinh thần người dân” - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Trần Ngọc Thái cho biết.
Cũng từ xây dựng ĐSVH, người dân ngày càng nâng cao nhận thức, chung tay, góp sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Những hủ tục, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ, việc tang, việc cưới ngày một văn minh, tiết kiệm; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn.
“Lúc mới xây dựng ĐSVH, hàng năm, ấp nhận hơn 10 vụ tranh chấp đất đai giữa những người hàng xóm. Nhưng, sau thời gian thực hiện, mọi người sống gần gũi nhau hơn nên các vụ tranh chấp cũng ít xảy ra. Hay trước đây, khi người thân qua đời, một số gia đình có thói quen chôn cất trên ruộng nhà nhưng bây giờ đưa vào an táng ở nghĩa trang nhân dân hoặc cụm mộ gia tộc” - Bí thư Chi bộ ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước - Bùi Anh Tuấn cho biết.
Đó là những chuyển biến trong nhận thức, hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bên cạnh đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH cũng mang đến diện mạo mới ở những vùng nông thôn từ sự chung tay, góp sức của người dân.
Chỉ về phía con đường đal dẫn vào ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, bà Võ Thị Kim Xuyến nhớ lại: “Hồi trước, con đường này nhỏ, hẹp, lầy lội nhưng nhờ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên được bêtông hóa, giúp việc đi lại thuận lợi hơn. So với lúc trước, vùng nông thôn bây giờ đổi khác hơn nhiều. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, người dân rất phấn khởi!”.
“Có thể nói, qua việc xây dựng ĐSVH, nhận thức người dân nâng cao, thể hiện qua phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới và hoạt động Về nguồn,... Người dân thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân, từng gia đình nên tích cực tham gia xây dựng, góp phần giữ vững các danh hiệu văn hóa: “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”, “Xã văn hóa” và “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”” - quyền Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thị Cẩm Hằng nhận xét.
Trở lại các vùng nông thôn trong tỉnh hôm nay, diện mạo đổi thay, đời sống người dân dần nâng chất như thế!
Sức dân là cội nguồn xây dựng Đời sống văn hóa
Theo ông Trần Ngọc Thái, năm 2016, người dân đóng góp gần 13 tỉ đồng cùng Nhà nước xây dựng các thiết chế văn hóa. Ngoài ra, có 5.932 gương người tốt - việc tốt trên các lĩnh vực; có 97,6% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Đây là những nhân tố tích cực, luôn đồng thuận trong xây dựng ĐSVH bằng những việc làm thiết thực.
Rõ ràng, sức dân chính là cội nguồn để xây dựng ĐSVH một cách hiệu quả. Và, để phong trào ngày càng lan tỏa, tiếp tục nâng chất, vẫn cần chủ thể là người dân. Hiện nay, ngoài những “trái ngọt”, việc xây dựng ĐSVH còn không ít “hạt sạn”. Cảnh quan môi trường ở vài địa phương chưa bảo đảm, nhất là tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi; sinh con thứ 3 vẫn xảy ra làm ảnh hưởng chất lượng phong trào.
“Chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế này, địa phương phải kiên quyết thực hiện. Như ở xã Tân Lân, Long Trạch, huyện Cần Đước, dù là xã văn hóa, nông thôn mới nhưng trước đây, vệ sinh môi trường chưa tốt. Khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương kiên quyết theo dõi, xử phạt những trường hợp vứt rác bừa bãi trên đường nên hiện nay chuyển biến tích cực. Cùng với quyết tâm của chính quyền, người dân cũng cần nâng cao nhận thức hơn nữa mà chỉ có tuyên truyền, vận động là biện pháp hữu hiệu nhất” - ông Trần Ngọc Thái cho biết thêm.
Theo báo cáo về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH, năm 2016, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện hơn 24.000 cuộc tuyên truyền và cấp phát hàng ngàn tài liệu về xây dựng ĐSVH. Số lượng tuyên truyền tuy nhiều nhưng hiệu quả chưa cao.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân - Nguyễn Thị Trinh: “Khi tuyên truyền phải chú ý đến đối tượng để áp dụng hình thức phù hợp. Hơn nữa, tuyên truyền không phải nói từ đầu đến cuối một nội dung, văn bản mà phải ngắn gọn, cô đọng nhưng đầy đủ nội dung, ý nghĩa để người dân dễ nhớ, dễ hiểu. Chẳng hạn, khi tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa mà đọc tất cả các tiêu chí, người nghe sẽ ngán và cũng chẳng nhớ. Người tuyên truyền chỉ cần nói ngắn gọn, gia đình văn hóa là chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và phải xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Bên cạnh đó, người làm công tác tuyên truyền phải kiên trì. Mưa dầm thấm lâu - tuyên truyền nhiều lần rồi cũng sẽ đạt kết quả”.
Từ thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần ngày càng nâng cao
Trong một lần khảo sát phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH ở tỉnh Long An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH Trung ương - Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: “Khi ý Đảng hợp lòng dân thì mọi người sẽ đồng lòng ủng hộ. Vì vậy, để phong trào nâng chất, không chạy theo thành tích thì các nội dung về xây dựng ĐSVH phải được quán triệt, cụ thể hóa một cách hiệu quả đến người dân để họ hiểu và thực hiện”.
Bên cạnh ý thức người dân, theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng, nâng chất phong trào thì phải nâng chất các tiêu chí. Vì vậy, thời gian qua, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí chấm điểm, công nhận xã văn hóa theo hướng nâng cao chất lượng. Sau thời gian áp dụng, việc phúc tra công nhận xã văn hóa đúng thực chất hơn trước.
“Cây lành cho trái ngọt” - xây dựng ĐSVH sẽ tạo động lực, sức bật cho vùng nông thôn nếu cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung sức, chung lòng thực hiện. Xây dựng ĐSVH phải ở trong từng khu dân cư, từng gia đình và mỗi con người./.
Nguyễn Ngọc