Tiếng Việt | English

07/12/2022 - 08:50

Xây dựng môi trường không khói thuốc lá

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành ở nước ta từ ngày 01/5/2013. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cùng chế tài xử phạt đã được ban hành với những điều, khoản chi tiết. Tuy vậy, số người hút thuốc lá vẫn còn cao. Hiện Việt Nam có tỷ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 thế giới. Ước tính cả nước hiện có khoảng 15,6 triệu người hút thuốc. Điều đáng chú ý, tỷ lệ người hút thuốc lá mới tăng nhanh trong giới trẻ...

Thông tin từ Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 25/11/2022, tỷ lệ hút thuốc lá mới năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó, nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần. Đáng báo động, tình trạng học sinh, trẻ em tụ tập hàng quán, hút thuốc lá xảy ra ở nhiều nơi.

Hút thuốc lá là một thói quen khó bỏ, cũng không phải là hành vi xấu. Tuy nhiên, nhiều người còn thiếu ý thức khi hút thuốc lá tại nơi làm việc, nơi công cộng; vứt bỏ tàn thuốc bừa bãi; vừa lái xe, vừa hút thuốc. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, xảy ra cháy, nổ,...

Tác hại của thuốc lá được nhiều chuyên gia y tế chỉ rõ. Hút thuốc lá không chỉ lãng phí tiền mà còn tổn hại đến sức khỏe, tác động xấu đến môi trường sống, làm gia tăng chi phí điều trị các bệnh liên quan sử dụng thuốc lá, gây áp lực cho hệ thống cơ sở y tế.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó, có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra trên 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, trên 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Riêng ở Việt Nam, mỗi năm, ghi nhận trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 70.000 ca vào năm 2030 nếu Việt Nam không phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách hiệu quả.

Vì vậy, các cấp, các ngành cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh việc đánh thuế cao đối với thuốc lá nhằm hạn chế tình trạng hút thuốc lá, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại bệnh viện, trường học, công sở và gia đình; truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm các hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi và người dưới 18 tuổi hút thuốc lá; tăng chế tài xử phạt các hành vi phạm pháp luật liên quan đến thuốc lá. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức, không hút thuốc lá.

Phòng, chống tác hại của thuốc lá góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe con người. Do đó, mỗi người dân hãy thay đổi hành vi, giảm hút thuốc lá, bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá nơi có quy định cấm, chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết