1. Tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng là truyền thống tốt đẹp trong văn hóa Việt. Trong Folklore (văn hóa dân gian) có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao, chuyện cổ tích,... như những lời nhắn gửi của ông cha với con cháu về lối sống “ăn no, lo xa”, “áo rách khéo vá hơn lành vụng may”, “ở đây một hạt cơm rơi/ngoài kia bao giọt mồ hôi thấm đồng”.
Kế thừa văn hóa dân tộc, ngay từ ngày đầu thành lập Đảng, Bác Hồ có những chỉ dẫn quyết liệt về PCLP. Ngay mở đầu cuốn Đường Kách mệnh (viết năm 1927), Bác chỉ rõ tư cách của người cán bộ (CB) cách mạng: “Tự mình phải cần - kiệm - liêm - chính”,... Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của lãng phí được Bác Hồ nêu: Đó là chủ nghĩa cá nhân, tự lợi.
Trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Bác Hồ nhắc nhở: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn vơ vét làm lợi cho bản thân, còn công việc chung thì lười nhác, đùn đẩy”.
Tư tưởng của Bác: Lãng phí là một trong những tệ nạn làm tổn hại không nhỏ công sức, tài sản của Nhân dân. Nhiều lần Người căn dặn: “Chúng ta phải cương quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta, chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của Nhân dân, vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, nạn lãng phí ấy”.
Bác nhấn mạnh: “Lãng phí chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi, nước mắt của Nhân dân mà nguy hiểm hơn nó là thứ giặc nội xâm nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của CB, đảng viên. Nó là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”.
Học tập và làm theo, kế tục tư tưởng của Bác Hồ về phòng, chống tham nhũng và lãng phí, sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Tham nhũng và lãng phí là vấn đề nhức nhối, bức xúc từ lâu được Đảng ta coi là quốc nạn, giặc nội xâm; khi đã có quyền mà không được kiểm soát thì sinh ra hư hỏng.
Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là một bệnh nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, nhiều khi lãng phí còn nguy nan hơn cả tham nhũng, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, nguyên khí, tài nguyên quốc gia, hình thức chủ nghĩa đã, đang làm sa sút niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đảng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phòng, chống quốc nạn này mà điển hình là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm chống cho được lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, hư hỏng, thoái hóa biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong CB, đảng viên mà trọng tâm, trọng điểm là CB cấp cao, chủ trì.
Quyết tâm của Đảng, quyết tâm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang đến cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí kiên trì và quyết liệt trong thời gian qua và Đảng ta đã đạt những kết quả quan trọng, tạo ra những bước tiến mới, hợp quy luật trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng tình ủng hộ, dư luận quốc tế đánh giá cao.
2. Trong bài Chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển KT-XH, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ những dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp lý chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, gây cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, tăng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, nhân dân, thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thông suốt, thuận tiện.
Bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận CB nhũng nhiễu, thiếu năng lực, đùn đẩy, né tránh công việc, sợ trách nhiệm, năng suất lao động thấp, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công do quản lý, sử dụng không hiệu quả, trong đó, vốn giải ngân đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý công sản, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng vừa chậm, vừa không hiệu quả. Lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng,... diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức.
Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong kỷ nguyên mới, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu. Phải tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mọi CB, đảng viên và người dân. Xây dựng nếp văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Trong 4 giải pháp quan trọng để PCLP, giải pháp có ý nghĩa mục tiêu, động lực là: Xây dựng văn hóa PCLP, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn, nước uống hàng ngày”; tạo thói quen coi trọng của công, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc khoa học, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; xây dựng văn hóa PCLP trong toàn xã hội, đưa chống lãng phí vào nội quy của từng cơ quan, đơn vị, hương ước từng thôn, xóm, quy định trong từng văn bản của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam với những chế tài có thưởng, phạt công minh; từng cơ quan, tổ chức, địa phương lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo, tạo dấu ấn, truyền cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Từ thực tiễn tồn tại của “tệ lãng phí” trong quá trình xây dựng đất nước, chúng ta có thể khẳng định, việc xây dựng văn hóa trong PCLP hiện nay là một tất yếu khách quan. Đó là nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị về thái độ, hành vi nhằm ngăn chặn việc sử dụng lãng phí nguồn lực, tài nguyên, tài sản cá nhân và tổ chức xã hội. Nó thể hiện trong ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực công và tư, giảm thiểu những tổn thất không cần thiết; đồng thời, tạo ra giá trị tối đa từ các nguồn lực sẵn có, văn hóa PCLP xuất phát từ nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực.
Khi trở thành sức mạnh, văn hóa PCLP sẽ thúc đẩy việc quản lý tài sản công minh bạch, cải thiện hiệu suất sử dụng tài chính (của tổ chức, cá nhân) tạo ra môi trường xã hội trong sạch, bền vững, củng cố niềm tin. Việc giáo dục cộng đồng về ý nghĩa của tiết kiệm, tận dụng và sử dụng tài nguyên hợp lý cũng là một phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa này nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và tăng cường trách nhiệm xã hội. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời kỳ vươn mình của dân tộc, đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt nhiệm vụ này ngang hàng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng văn hóa PCLP trong giai đoạn đất nước phát triển mạnh mẽ đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, quyết liệt với nhiều nỗ lực, giải pháp đồng bộ từ chính quyền đến người dân. Trong đó, việc nâng cao nhận thức xã hội là điều cốt lõi nên cần lồng ghép vào chương trình giáo dục và tiến hành mạnh mẽ, không ngừng nghỉ trong các chiến dịch truyền thông. Truyền cảm hứng để mọi người hiểu rõ vai trò của mình trong việc tiết kiệm các nguồn tài nguyên, bảo vệ lợi ích công trong cả tiêu dùng và sản xuất.
Văn hóa PCLP không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, giúp Việt Nam vươn tầm khẳng định vị thế mới. Vì thế, vai trò nêu gương của CB, đảng viên trong xã hội, người cao tuổi (trong gia đình) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết.
Tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là một bài học sống động để cả dân tộc noi theo, làm theo, đưa tiết kiệm trở thành một giá trị tiêu biểu của văn hóa dân tộc./.
Huyền Linh
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, NXBST 2001, trang18
- Báo Nhân Dân ngày 03/02/1969
- Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, trang 98
- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.