Bài 2: Siết chặt “phòng tuyến” chống dịch Covid-19
Biên giới Long An bắt đầu bước vào mùa mưa. Trời đang nắng nóng như thiêu, như đốt nhưng những cơn mưa bất chợt kèm theo giông, lốc, sấm sét có thể kéo đến bất cứ lúc nào. Dù điều kiện có khó khăn bao nhiêu đi chăng nữa, những người lính biên phòng cùng các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vẫn kiên cường bám trụ, thay nhau canh giữ từng mét đất biên cương, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, tạo điều kiện cho nội biên yên tâm phát triển KT-XH.
Chốt số 2 Bến Trâu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bình Hiệp là căn nhà của vợ chồng bà Tám dành tặng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chống dịch
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc, nơi miền phên giậu, các lực lượng đứng chân trên tuyến đầu cùng người dân biên giới đang xây chắc thành lũy, vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vừa ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.
Gió thốc mưa giăng nhưng không ngăn được bước chân người lính
Sau một ngày nắng gắt, trời chiều dễ chịu hơn với những cơn gió thổi nhẹ mang theo hơi mát của dòng kênh Cái Cỏ thổi vào Trạm Kiểm soát biên phòng (KSBP) Bưng Ràm, Đồn Biên phòng (ĐBP) Sông Trăng. Mấy anh em trong tổ tuần tra lưu động của Trạm tranh thủ về chăm vườn rau, tắm rửa để chuẩn bị cho chuyến tuần tra đêm. Bất chợt, mây đen kéo đến mịt mù. Những cơn gió cũng trở nên hung tợn hơn, rít từng cơn cuốn theo bụi cát từ mấy cái ao khô nứt nẻ cuộn thẳng vào Trạm. Hai anh em chúng tôi vội chạy vào gian phòng hội trường để tránh mưa.
Thấy chúng tôi, một anh chiến sĩ của Trạm vừa ôm đống quần áo, vừa nói: “Đầu mùa, mưa bất chợt lắm! Nắng thì thế đó mà mưa cứ mưa”. Sau một hồi gió thốc, mưa bắt đầu trút xuống khiến ao cá khô rang bên cạnh Trạm và những cánh đồng loang loáng bóng nước. Trời tối rất nhanh. Ăn vội bữa cơm tối, 2 anh em của Trạm đã quần áo, dụng cụ chỉnh tề sẵn sàng đợi lệnh tuần tra. Cùng lúc này, 2 cán bộ Công an xã Hưng Điền B và 2 đồng chí dân quân tự vệ cũng kịp đến để chuẩn bị tham gia buổi tuần tra lưu động ban đêm. Đêm nay, tổ sẽ tuần tra đoạn biên giới từ Trạm KSBP Bưng Ràm đến Đội Kiểm soát hành chính Sông Trăng, ĐBP Sông Trăng, với chiều dài gần 5km.
Mưa vẫn còn lất phất. Sau vài phút phổ biến cho các thành viên trong tổ, Thượng úy Võ Hoàng Minh - Trạm trưởng Trạm KSBP Bưng Ràm, cùng 5 anh em trên 3 chiếc xe gắn máy, mấy cây đèn pin bắt đầu lên đường tuần tra. Bóng đêm đen đặc, các thành viên trong tổ phải căng mắt để theo dấu những ánh đèn pin lia đi lia lại qua từng gốc cây, bụi cỏ. Thượng úy Võ Hoàng Minh cho biết: “Đợt này, dịch bên phía nước bạn căng quá nên khả năng sẽ có nhiều người có ý định vượt biên trái phép về nước để tránh dịch. Cũng vì thế, ngoài những trạm, chốt kiểm soát được rải đều trên đường biên giới, đơn vị còn tổ chức tổ tuần tra lưu động cả ngày lẫn đêm, bất kể nắng, mưa nhằm kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để bất kỳ người nào lọt qua tuyến biên giới vào nội địa”.
Đêm biên giới vắng bóng người nhưng không vì thế mà các thành viên trong tổ tuần tra chủ quan. Cứ chừng vài trăm mét lại là một lối mòn dẫn về phía những thửa ruộng của người dân. Những đoạn như thế, anh em trong tổ tuần tra lại phải lội bộ, soi kỹ từng lùm cây, bụi cỏ. “Mình phải kiểm tra thật kỹ, từng gốc cây, bụi cỏ, từng lối mòn hay những khu vực cảm thấy nghi ngờ, không để sót lọt. Có như thế coi như buổi tuần tra mới bảo đảm theo đúng kế hoạch” - Thượng úy Minh khẳng định chắc nịch. Mưa lất phất khiến con đường trở nên lầy lội hơn. Đi một đoạn, anh em trong tổ phải dừng lại lấy mấy cành cây khô cạy bùn đất bám vào đế giày để đi lại thuận tiện hơn.
Sau gần 1 giờ đồng hồ, các thành viên trong tổ công tác cũng đến điểm cuối là Đội Kiểm soát hành chính Sông Trăng, ĐBP Sông Trăng. Chiếc bàn đá nhỏ kê dưới tán phượng vừa đủ cho 5 người ngồi chỉ kịp cho các anh em nghỉ ngơi chừng 10 phút rồi tiếp tục tuần tra trở lại. Mưa vẫn rơi đều và những giọt mồ hôi hòa lẫn nước mưa ướt áo.
Quyết tâm không để dịch xâm nhập vào nội địa
Trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19, ngoài thực hiện công tác tuyên truyền trong nhân dân, lực lượng BĐBP tăng cường quân số 100% bảo đảm trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt dọc theo tuyến biên giới. Cùng với lực lượng BĐBP, các lực lượng công an, quân sự, dân quân các xã biên giới cũng như lực lượng BĐBP được tăng cường từ các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang với quyết tâm cao nhất kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, kiểm soát tốt khu vực cửa khẩu để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nội địa”.
Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh
|
Trong gian khó càng thấu tình quân - dân
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 cho đến nay cũng là ngần ấy thời gian các lực lượng trên tuyến đầu biên giới “căng mình” vào “cuộc chiến” chống dịch. Chưa biết “cuộc chiến” này đến khi nào kết thúc nhưng nơi miền phên giậu, các lực lượng đứng chân trên tuyến đầu cùng với người dân biên giới đang xây chắc thành lũy, vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vừa ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19.
Chốt số 2 Bến Trâu, ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp nằm khép mình bên dòng sông Rồ, nơi con sông là đường biên giới. Mặc dù chốt được lập quản lý hơn 1km đường sông để phòng, chống những trường hợp có ý định nhập cảnh trái phép bằng đường sông nhưng mùa này lục bình dày đặc, nhiều phương tiện máy gặt đập liên hợp qua lại khiến việc quan sát của cán bộ, chiến sĩ tại chốt gặp nhiều khó khăn. Chốt cắm là căn nhà tole mái lá của vợ chồng bà Tám (Trần Thị Dương), ấp Tầm Đuông, xã Bình Hiệp, cho 7 cán bộ, chiến sĩ thay nhau túc trực. Hơn 1 năm qua, căn nhà này cũng được vợ chồng bà Tám nhường hẳn cho BĐBP làm công tác chống dịch.
“Hơn 7 năm nay, nhà tôi luôn là chỗ dừng chân của BĐBP mỗi khi tuần tra ngang đây nhưng từ khi dịch bùng phát, tôi cùng chồng chẳng một chút đắn đo, suy nghĩ, dọn luôn về căn nhà cách đó vài trăm mét, nhường lại nơi đây cho anh em chiến sĩ. Thậm chí, sau này, BĐBP có cần tôi cũng sẽ hiến luôn căn nhà này cho lực lượng làm nhiệm vụ lâu dài. Dẫu gì những việc làm của BĐBP cũng đều là vì dân, vì nước” - bà Tám cho biết.
Theo Trung úy Hoàng Trọng Sơn - Chốt trưởng chốt số 2 Bến Trâu, trong suốt thời gian dài chống dịch, các lực lượng trên tuyến đầu biên giới nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần cũng như những thông tin quý giá giúp lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.
Ngược về ĐBP Long Khốt, trong số các chốt được triển khai trên đoạn biên giới do Đồn quản lý, có lẽ Chốt phòng, chống dịch số 3 là khó khăn nhất. Chốt rộng chừng 10m2 được tận dụng từ mái hiên của một kho chứa máy móc của người dân. Xung quanh chốt chỉ có 1 hộ dân duy nhất nên điều kiện sinh hoạt của anh em cắm chốt gặp nhiều khó khăn. Mùa lũ đổ về, nước ngập trắng đồng có khi mấp mé tới sàn chốt, còn thời điểm này hầu như không thể ở trong chốt quá 10 phút bởi cái nóng hừng hực của mái tole phả xuống. Mấy ngày nay, ông Đỗ Phước Thành, ngụ ấp Láng Lớn, xã Thái Trị, ngày nào cũng lội bộ từ nhà ra chốt vừa để thăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP, vừa để đôn đốc việc san lấp cho công trình xây dựng chốt sớm hoàn thành để anh em có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng chống dịch.
“Thấy anh em vất vả, thiếu thốn quá mà chống dịch chưa biết đến chừng nào nên tôi bàn với vợ hiến phần đất gần 200m2 của gia đình. Do nơi đây xa khu dân cư, việc vận chuyển san lấp gặp khó khăn nên tôi cũng quyết định cho luôn phần đất san lấp. Đất này, sắp tới tôi tách sổ cho luôn nhé!” - ông Thành cười tươi, khẳng định chắc nịch.
Theo Trung tá Vũ Minh Phú - Chốt trưởng chốt số 3, mặc dù điều kiện của chốt còn rất nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nhận được sự giúp đỡ chân tình từ người dân. Khi thì nắm muối, ký gạo hay vài con cá, lúc thì nhận được nước sạch, nhu yếu phẩm hay những thông tin quý giá từ nhân dân giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. “Giữa lúc khó khăn mới thấy được tình cảm quân - dân nơi biên giới. Đây cũng là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vừa ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19” - Trung tá Vũ Minh Phú cho biết.
Có đi tận nơi, gặp từng người, chúng tôi mới hiểu được những vất vả, khó khăn của những người chống dịch trên tuyến đầu biên giới. Họ chấp nhận hy sinh niềm vui, hạnh phúc bản thân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Với họ, ngăn chặn dịch từ biên cương Tổ quốc là một mệnh lệnh từ trái tim, tất cả vì bình yên cho cuộc sống nhân dân. Vượt lên trên mọi khó khăn, vất vả, những người lính biên phòng cùng các lực lượng chống dịch trên tuyến đầu biên giới vẫn chắc tay súng, vững đôi chân vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vừa ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19. Và cũng từ đó để nhắc nhở mỗi chúng ta phải ý thức hơn trách nhiệm của bản thân cùng với toàn tỉnh và cả nước chung tay đẩy lùi dịch Covid-19./.
Kiên Định - Văn Đát