Căn nhà nổi bật giữa vườn thanh long xanh mướt bởi sắc vàng cổ kính và sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và kiến trúc Pháp
Lưu giữ giá trị nghệ thuật, văn hóa đất phương Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, Long An có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là nhà cổ, gồm: Nhà Trăm cột và Cụm nhà cổ Thanh Phú Long (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) mà người địa phương quen gọi là Xóm Nhà Giàu. Đây là 2 di tích văn hóa nhà cổ còn lại nguyên vẹn và lưu giữ nhiều giá trị đặc biệt. Cả 2 di tích đều có một điểm chung tạo thành điểm nhấn, nét riêng của nhà cổ Long An chính là các nhà cổ hiện nay vẫn còn người trong gia đình sinh sống, chăm sóc và bảo quản.
Đường vào Xóm Nhà Giàu giờ đây là đường đal rộng 4m, hai bên đường nhà cửa san sát tạo nên nét sung túc cho một vùng quê. Xóm Nhà Giàu nằm ở cuối con đường, gồm những ngôi nhà cổ nối tiếp nhau. Mỗi nhà mang một đặc trưng riêng nhưng tất cả có điểm chung là những ngôi nhà cổ bề thế, từng là biểu tượng cho sự sung túc, giàu sang của gia chủ ở thế kỷ trước. Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Hữu Xuân, ngôi nhà được đánh giá là “còn khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu (nhà trước), riêng nhà sau chỉ còn nền móng, trang trí nội thất hiện nay còn khá giống ban đầu với hệ thống bao lam, hoành phi, liễn đối,…”.
Nội thất nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh mà hiện tại bà Tím đang bảo quản
Ông Nguyễn Hữu Xuân hiện là người ở và chăm sóc ngôi nhà. Với mong muốn giữ lại những giá trị tổ tiên để lại, ông Xuân cố gắng trùng tu, sửa chữa nhà trong phạm vi cho phép và bảo đảm giữ lại nguyên bản ngôi nhà cũ. Khi chúng tôi đến, ông đang thuê người lợp lại mái nhà, do trong mùa mưa vừa qua, một tia sét lớn đã làm sụt ngói, gây dột. Nội thất trong nhà mặc dù được dọn dẹp nhưng vẫn nhận ra đều là vật dụng cổ, cùng thời với ngôi nhà. Bộ bàn dài được chạm trổ, bộ ván, tủ thờ gỗ quý cẩn ốc xà cừ và một số vật dụng thờ cúng đều có tuổi đời trên 100 tuổi.
Gắn bó cả cuộc đời với ngôi nhà cổ, ông Xuân yêu quý từng hoa văn chạm trổ, để tâm từng viên ngói, tường vôi, gạch lát. Trước đây, khi nhà còn chưa được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, ông Xuân đã quan tâm bảo vệ, trùng tu và cố gắng giữ ngôi nhà cổ của ông cha để lại. Mặc dù sau này, do những điều kiện cụ thể, một phần kiến trúc ngôi nhà không còn giữ được nguyên trạng nhưng cơ bản, đây vẫn là ngôi nhà còn lưu lại nhiều hiện vật nhất trong cụm nhà cổ tại Xóm Nhà Giàu.
Cụm 3 ngôi nhà cổ tại Xóm Nhà Giàu đều có mối quan hệ gia đình thân thích với nhau. Cạnh bên nhà ông Nguyễn Hữu Xuân là ngôi nhà cổ do ông Nguyễn Hữu Hoanh xây dựng, hiện tại bà Phan Thị Tím (cháu đời thứ tư) đang sinh sống tại đây. Nhà bà Tím ở là ngôi nhà được đầu tư trùng tu toàn bộ theo nguyên bản trước đây nên giữ lại được gần như nguyên vẹn kiến trúc nhà cổ tại Xóm Nhà Giàu. Nhà giữ nguyên kiến trúc “hình chữ Khẩu gồm nhà trước và nhà sau, nối nhau bằng hai nhà cầu, chính giữa có khoảng trống gọi là thiên tĩnh” (theo hồ sơ di tích Cụm nhà cổ Thanh Phú Long).
Tủ thờ bằng gỗ quý khảm ốc xà cừ
Ngôi nhà nổi bật giữa vườn thanh long xanh mướt, bởi sắc vàng cổ kính và sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và kiến trúc Pháp. Bằng sự uy nghiêm, cổ kính lại đậm chất nghệ thuật, ngôi nhà cổ bà Tím đang sinh sống nói riêng và Xóm Nhà Giàu nói chung có rất nhiều tiềm năng khai thác du lịch. Nơi đây không chỉ là địa chỉ cần tìm đến của giới nghiên cứu, kiến trúc mà còn có thể trở thành địa điểm thu hút du khách trong giai đoạn du lịch sinh thái, du lịch nông thôn trở thành xu thế. Bức tường vàng và hành lang cổ kính dưới ánh nắng xiên xiên sẽ làm xiêu lòng bất cứ nhiếp ảnh gia hoặc du khách nào đến đó.
Nếu có ghé thăm!
Cả ông Xuân và bà Tím đều là những người mến khách, họ sẵn sàng giới thiệu về gia đình, dòng họ và ngôi nhà mình đang ở bằng tất cả sự say mê pha lẫn tự hào. Cả hai người đều có sẵn sự hồn hậu, chất phác và mến khách đặc trưng của người Nam bộ. Họ yêu quý ngôi nhà nên chăm sóc, lau chùi cẩn thận. Họ sống tại đó nên thu vén và bổ sung những vật dụng hiện đại vào không gian cổ kính cho phù hợp. Tất cả tạo nên một nét đặc trưng, một luồng sinh khí khó thể tìm kiếm được ở những ngôi nhà cổ chỉ dùng làm du lịch thuần túy và không có người sinh sống.
Bộ lư đồng trên 100 năm tuổi tại nhà ông Xuân
Cụm nhà cổ Thanh Phú Long hay Xóm Nhà Giàu cho đến nay vẫn là cái tên được người dân địa phương nhắc nhở và vẫn chưa đến được với du khách gần xa. Trong khi nơi đó lưu giữ rất nhiều giá trị về cả kiến trúc, văn hóa và một giai đoạn nhất định của lịch sử. Nơi mà người Long An có thể nhìn vào đó để tự hào rằng, vào thế kỷ trước, tại vùng Cần Đước có một nhóm thợ khéo tay nức tiếng đã tạo ra những công trình được lưu dấu và ghi nhận đến trăm năm là Xóm Nhà Giàu và nhà Trăm cột! Đó cũng là nơi đánh dấu sự cần lao, chịu khó của cha ông ta ngày mở đất khi những bậc thủy tổ của Xóm Nhà Giàu vào đất Tân Lục (An Lục Long ngày nay) chỉ với 2 bàn tay trắng và để lại cho cháu con cả một cơ ngơi ai thấy cũng trầm trồ.
Được biết, bà Tím - người đang ở nhà cổ ông Nguyễn Hữu Hoanh, rất khéo tay. Bà hay làm những thức bánh ngon cho con, cháu trong nhà và thỉnh thoảng biếu hàng xóm. Nếu du khách đến thăm được ngồi trong ngôi nhà trăm tuổi, thưởng thức món bánh ngon do chính gia chủ tự tay làm đãi thì hẳn là một trải nghiệm tuyệt vời!
Mộc Châu