Những tuyến đường hoa khoe sắc ở những vùng quê
Nông thôn đổi mới
Nắng vàng trải dài trên con đường đến xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Những giai điệu mùa xuân tươi vui làm lòng người thêm rộn ràng. Dừng chân bên Đường tỉnh 831, cách trụ sở UBND xã chừng vài trăm mét, tôi “mãn nhãn” với đường hoa rực rỡ, đủ sắc màu của mười giờ, quỳnh anh, cúc, mào gà, hướng dương,… Theo bà Lê Thị Tuyết, người sống gần 60 mùa tết ở đây, xã Khánh Hưng bây giờ có nhiều đổi mới. Bà nhớ lại, năm 1991, xã được thành lập. Khi ấy, nơi đây rất nghèo, không điện, nước sạch, đường giao thông,… Toàn xã nằm trong “chảo phèn” Đồng Tháp Mười, phần lớn diện tích đất còn hoang hóa. Gần 30 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Khánh Hưng "thay da, đổi thịt" rõ nét. Hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được nạo vét, đê bao khép kín bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp,… Ấp Gò Châu Mai trở thành trung tâm hành chính xã. Các mô hình chuyển đổi kinh tế: Dưa hấu, rau màu, nuôi trâu, bò vỗ béo,… đến cánh đồng lớn, vùng lúa ứng dụng công nghệ cao ra đời. Năm 2014, Khánh Hưng là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh sớm được công nhận là xã NTM.
Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương thay đổi vượt bậc, chăm lo tốt hơn các hoạt động giáo dục
“Tôi cùng người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhà tôi ở gần đường hoa nên nhận nhiệm vụ chăm sóc, tưới nước, bón phân. Những chiều cuối tuần, tôi và các chị tham gia quét dọn, nhặt rác trên các tuyến đường ở Cụm dân cư Gò Châu Mai. Bây giờ sắp tết rồi, mình phải làm nhiều hơn để cảnh quang nơi đây thêm xanh, sạch, đẹp” - bà nói.
Tôi hỏi, xã biên giới Khánh Hưng là xã nghèo, xuất phát điểm thấp, nhờ đâu mà trở thành xã NTM, cuộc sống người dân thay đổi như ngày nay thì được chính quyền giải thích: Đó là kết quả của sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, chung lòng của nhân dân tạo nên.
Dạo bước trên những đường bêtông sạch đẹp, thỏa sức ngắm nhìn những hàng rào xanh, hoa tigon, hoa sao nhái,… với đủ sắc màu, nhớ lại 8 năm về trước, khi được chọn là xã điểm XDNTM của thị xã Kiến Tường, Tuyên Thạnh gặp nhiều khó khăn khi chỉ đạt 6/19 tiêu chí (TC). Với truyền thống anh hùng, địa phương nỗ lực đạt chuẩn NTM vào năm 2017.
Tôi ghé nhà cô Bảy Hồng (Anh hùng Lao động Võ Thị Hồng), tại ấp Bắc Chan 1. Ở độ tuổi gần 70, cô Bảy vẫn hăng say lao động. Cô Bảy nhớ lại, thời điểm sau giải phóng, thiên tai, lũ lụt, chiến tranh biên giới Tây Nam,... bao khó khăn, vất vả nặng oằn trên đôi vai người dân. Khi đó, vùng đất này bị nhiễm phèn, năng suất lúa thấp. Nhiều năm sau, đặc biệt từ khi phát động XDNTM mang lại cho Tuyên Thạnh một diện mạo mới. Hệ thống giao thông được mở rộng, nâng cấp; điện, trường, trạm, nước sạch,..được đầu tư. Vui nhất là cuộc sống người dân cải thiện qua sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Đón Xuân Canh Tý 2020 là năm khó quên đối với chị Dương Thị Mỹ Hạnh (42 tuổi) khi gia đình có nước sạch để sử dụng. Chị chia sẻ, trước đây quê ở An Giang, cuộc sống vất vả nên khi lập gia đình rồi về Tuyên Thạnh sinh sống. Bao năm qua, vợ chồng vất vả nhưng chưa có một mái nhà ổn định. Trước tết khoảng 2 tháng, cả nhà định cư tại Cụm dân cư Tuyên Thạnh và có nước sạch để sử dụng, công trình vừa mới hoàn thành do thị xã đầu tư.
Khi lòng dân đã thuận
Xuôi về miền hạ, tôi đến xã Tân Chánh, huyện Cần Đước để nghe kể về quá trình XDNTM cũng như sự đổi thay ở một xã nghèo. Những dấu tích của chiến tranh đã không còn. Giờ đây, dáng dấp của vùng nông thôn hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đang hiện diện trong từng ngôi nhà ngói với cổng rào xanh, từng con đường được trải nhựa,… nhất là sự đồng thuận của người dân trong XDNTM.
Người dân vui mừng khi thị xã Kiến Tường đầu tư hệ thống nước sạch tại Cụm dân cư Tuyên Thạnh
Anh Lê Long Sơn, ngụ ấp Đông Trung, bộc bạch, trước đây vùng đất này khó khăn lắm! Thanh niên bỏ xứ đi làm ăn xa. Vài năm trở lại đây, khi địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, cuộc sống người dân khấm khá hơn. Anh về quê tích góp vốn và vay mượn thêm để mở Cơ sở vôi Minh Phú vì vùng này có nhiều diện tích nuôi tôm. Qua từng năm, cơ sở của anh phát triển ổn định. Đồng hành cùng địa phương, cơ sở tạo việc làm cho một số thanh niên từng lầm lỡ, giúp họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Không những vậy, anh hỗ trợ công tác tuyển quân, giặm vá đường giao thông, sửa cầu, lắp đèn chiếu sáng,… mỗi năm cả trăm triệu đồng, góp phần cùng địa phương hoàn thành XDNTM vào năm 2016.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, làng quê như “khoác lên mình chiếc áo mới”. Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt, kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, số hộ nghèo giảm nhanh. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng phong phú và được chú trọng, mức hưởng thụ về văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên. XDNTM huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Hệ thống chính trị nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả, có nhiều đổi mới. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được củng cố và tăng cường,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng, XDNTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục. Thời gian tới, XDNTM trong tỉnh phải bảo đảm “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”, đi vào thực chất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân.
Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên ở những xã nông thôn mới
Chương trình XDNTM là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, ông yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM; chủ động tham gia cùng chính quyền. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương phải cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách của tỉnh ngay trong năm 2020 để làm cơ sở triển khai thực hiện cho giai đoạn 2021-2030. Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và gắn với phát triển đô thị. Tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh, sạch, đẹp”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát XDNTM; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; giám sát của cộng đồng dân cư đối với XDNTM.
Trong tiết trời mùa xuân, tôi nghe không khí rộn ràng, nhộn nhịp, cảm nhận được cuộc sống ấm no, thanh bình đang hiện hữu ở những vùng quê./.
10 năm qua, toàn tỉnh huy động trên 123.000 tỉ đồng XDNTM. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 999,7 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh 573 tỉ đồng; vốn tín dụng trên 103.600 tỉ đồng;…
Năm 2010, toàn tỉnh chưa có xã đạt trên 14 TC, còn 67/166 xã chỉ mới đạt từ 2-5 TC. Đến nay, toàn tỉnh có 77 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46,4%. Nếu như năm 2010, số TC đạt bình quân/ xã của tỉnh đạt 6 TC, đến nay tăng lên 15,62 TC/xã; không còn xã đạt dưới 9 TC; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 45 triệu đồng/năm.
Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, có 2 tập thể (huyện Tân Trụ và huyện Tân Thạnh) được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh; 21 tập thể và 15 cá nhân nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Long An chung sức XDNTM”, giai đoạn 2016-2020.
Đến nay, TP.Tân An đã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; huyện Châu Thành đang chờ Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
|
Song Nhi