Tiếng Việt | English

14/05/2021 - 08:19

Xung đột Israel – Palestine: Phép thử cho ông Biden và phơi bày rạn nứt chính trường Mỹ

Cuộc xung đột Israel – Palestine hiện nay có thể khiến các ưu tiên đối ngoại của ông Biden bị chệch hướng và khiến Mỹ một lần nữa không thể thoát khỏi “vũng lầy” Trung Đông.

Phép thử cho Tổng thống Biden

Tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã tạo nên thách thức lớn đầu tiên về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Biden, đồng thời phơi bày những rạn nứt ngày càng lớn của đảng Dân chủ, cũng như giúp cho đảng Cộng hòa có cơ hội công khai chỉ trích ông Biden.


Lực lượng an ninh tuần tra ở Lod, Israel. Ảnh: Reuters

Những cuộc không kích và tấn công tên lửa ác liệt trong những ngày qua ở khu vực này có nguy cơ biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa bối cảnh cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế căng thẳng cùng một loạt nỗ lực ngoại giao từ Washington. Nhà Trắng cho biết, các quan chức Mỹ đã tiến hành hơn 25 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và các nhà lãnh đạo khu vực Arab trong những ngày qua.

Dù vậy, nỗ lực này có nguy cơ kéo Mỹ trở lại "vũng lầy" Trung Đông mà ông Biden muốn tránh. Chính sách ngoại giao này cũng có thể làm thay đổi định hướng chiến lược của ông Biden khi nhà lãnh đạo Mỹ muốn dồn nguồn lực trong cuộc đối đầu với Trung Quốc thay vì tập trung vào Trung Đông và châu Âu.

Điều khiến một số thành viên đảng Dân chủ cảm thấy thất vọng hiện nay là sự dịch chuyển chậm chạp của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đảo ngược các chính sách đặc trưng dưới thời cựu Tổng thống Trump, vốn được những người theo quan điểm bảo thủ ủng hộ Israel hưởng ứng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã cam kết sẽ mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem, hoạt động như một đại sứ quán tạm thời cho người dân Palestine ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza.

Trước đó, cựu Tổng thống Trump cũng đã quyết định đóng cửa phái bộ ngoại giao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Washington. Mặc dù ông Biden hứa sẽ mở lại cả 2 văn phòng trên, hiện vẫn đóng cửa, nhưng cho tới nay, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa đề cử đại sứ tại Israel.

Điều đó đã đặt ông Biden vào thế bất lợi khi đối mặt với lời kêu gọi ngày càng gia tăng ở Washington về việc nhanh chóng hành động để chấm dứt những cuộc giao tranh đẫm máu.

Ông Biden bước vào Nhà Trắng với những cuộc khủng hoảng lớn trong và ngoài nước. Về đối nội, nhà lãnh đạo Mỹ ưu tiên cuộc chiến chống Covid-19 và chiến dịch tiêm vaccine trong khi về đối ngoại, ông Biden khẳng định, việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc và Nga sẽ là những khía cạnh chủ chốt trong chính sách đối ngoại của ông. Với chiến lược đó, tiến trình hòa bình Trung Đông gần như bị bỏ qua trong những ngày đầu ông Biden nhậm chức. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn và bắt đầu đe dọa đến khu vực, ông Biden có thể phải chuyển hướng chiến lược khỏi những vấn đề mà ông định ưu tiên.

Các nhà ngoại giao kỳ cựu, các chuyên gia và các nhân vật lãnh đạo chính trị đều nhận thấy việc ông Biden muốn dịch chuyển sự chú ý khỏi Trung Đông và sự vắng mặt của giới lãnh đạo Mỹ tại Israel.

"Tôi nhận thấy chính quyền này đã hạ thấp ưu tiên ở Trung Đông và vấn đề Israel - Palestine. Tuy nhiên, việc thiếu một Đại sứ tại Israel và một Tổng lãnh sự quán ở Jerusalem là một vấn đề nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng này", Aaron David Miller, cựu quan chức ngoại giao, người từng cố vấn cho nhiều ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Trung Đông, cho hay.

Tổng thống Biden "rõ ràng" đã phạm sai lầm khi "muốn hạn chế sự tham gia của Mỹ ở Trung Đông", Hussein Ibish, học giả cấp cao tại viện Arab Gulf States Institute ở Washington DC nhận định.

"Việc dịch chuyển sự can dự khỏi Trung Đông là một ảo tưởng. Thậm chí, nếu muốn dịch chuyển về châu Á hay tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn thì nguồn năng lượng ở Trung Đông vẫn có vai trò quan trọng", chuyên gia này cho hay.

Ông Ibish cũng đánh giá, cuộc xung đột Israel - Palestine "chưa bao giờ biến mất" và "sự trầm lắng chỉ là viển vông" khi xung đột có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Chia rẽ trong chính trường Mỹ

Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ chia rẽ với 2 luồng quan điểm, đó là ủng hộ phản ứng quân sự của Israel và chỉ trích động thái này. Israel vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới lãnh đạo đảng Dân chủ, trong đó có Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Charles E. Schumer, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez và Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steny H. Hoyer, tất cả đều nhấn mạnh quyền tự vệ hợp pháp của Israel.

"Cuộc tấn công tên lửa từ lực lượng Hamas là hành vi khủng bố và không quốc gia nào có thể chịu đựng mối đe dọa nhằm vào người dân của họ. Những hành động này đã đe dọa sự an toàn và an ninh của Israel và Palestine", ông Menendez viết trên Twitter ngày 11/5.

Tuy nhiên, một nhóm các nghị sĩ trẻ tuổi thì sẵn sàng thách thức lập trường ủng hộ Israel của đảng này, đồng thời gây sức ép với chính quyền Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội giữa bối cảnh các cuộc khảo sát cho thấy thái độ hoài nghi ngày càng gia tăng trong đảng Dân chủ về các hành động của Israel.

"Chúng ta không thể chỉ lên án việc Hamas nã rocket và phớt lờ hành vi bạo lực của cảnh sát Israel với người Palestine, trong đó có việc kết tội một cách bất hợp pháp, tấn công bạo lực nhằm vào những người biểu tình và trẻ em. Sự hỗ trợ của Mỹ không phải để tiếp tay cho những hành động này", nghị sĩ Mark Pocan viết trên Twitter.

Dòng trạng thái này sau đó đã được nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez tweet lại, người có cùng quan điểm với các nghị sĩ Rashida Tlaib và Ilhan Omar, cho rằng sự gây hấn của Israel trong xung đột vượt ngoài những tuyên bố của đảng Dân chủ khi đổ lỗi cho cả 2 bên.

"Chúng tôi ủng hộ người dân Palestine ở Đông Jerusalem. Các lực lượng của Israel đang buộc các gia đình phải rời bỏ nhà cửa trong tháng Ramadan và kích động bạo lực", hạ nghị sĩ Ocasio-Cortez nhận định.

Tình trạng đối đầu ở đây và những nơi khác tại Jerusalem trong tuần qua đã khiến bạo lực lan rộng khi mà lực lượng Hamas bắt đầu nã tên lửa nhằm đáp trả cho điều mà nhóm này cho là sự gây hấn của Israel. Hamas là tổ chức vũ trang Hồi giáo lớn nhất của Palestine và kiểm soát Dải Gaza từ năm 2006. Israel đã phong tỏa phần lớn lãnh thổ ven biển này để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa.

"Trong 40 năm có lẻ tôi làm việc trong vấn đề này, tôi chưa bao giờ chứng kiến mức độ ủng hộ quyền của người dân Palestine và việc thách thức hiện trạng diễn ra như vậy. Đây là một vấn đề mà chính quyền Tổng thống Biden hy vọng có thể tránh nhưng giờ thì họ không thể tránh được nó nữa", James Zogby, Chủ tịch Viện nghiên cứu Arab American Institute nhận định.

Sự thay đổi lập trường trong đảng Dân chủ về vấn đề này là kết quả từ những cuộc bầu cử trước đó và sự ra đi của nhiều thành viên từ lâu đã ủng hộ Israel.

Cựu quan chức hàng đầu đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot L. Engel năm ngoái đã bị thay thế bởi một ứng viên theo quan điểm tự do hơn là Jamaal Bowman, kéo theo đó là sự thay đổi về lập trường ủng hộ Israel. Mặc dù chỉ trích các cuộc tấn công tên lửa của Hamas, ông Bowman cũng chỉ trích hành vi kết tội người dân Palestine của Israel và các cuộc không kích đáp trả của nước này.

"Các cuộc tấn công tên lửa của Hamas không phải hành động hòa bình nhưng các cuộc không kích của chính phủ Israel cũng vậy", nghị sĩ này cho hay.

Sự thay đổi thái độ giữa các thành viên Quốc hội về cuộc xung đột đã phản ánh sự dịch chuyển rộng lớn giữa các cử tri đảng Dân chủ, các nhà phân tích đánh giá. Một cuộc khảo sát của Gallup hồi tháng 3 cho thấy, đa số đảng Dân chủ cho rằng Mỹ nên gây sức ép nhiều hơn với Israel để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.

"53% những người được hỏi cho rằng cần gây sức ép nhiều hơn với Israel, tăng so với con số 43% vào năm 2018 và con số 38% vào thập kỷ trước, đánh dấu sự thay đổi đáng kể về lập trường của đảng Dân chủ trong chính sách đối ngoại của Mỹ", báo cáo trên đánh giá.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa, vốn ủng hộ Israel, đã lên tiếng bảo vệ nước này và chỉ trích đảng Dân chủ không có một hướng đi thỏa đảng.

"Đảng Cộng hòa đứng về phía Israel, một quốc gia có quyền tự vệ trước những hành động bạo lực và các cuộc tấn công tên lửa từ Hamas", Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cho biết trong một thông báo.

"Các cuộc tấn công này đã cho thấy sự lãnh đạo yếu kém của ông Biden khi đảo ngược quy trình lịch sử mà chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tạo ra nhằm duy trì hòa bình khu vực và khiến các tổ chức khủng bố, chẳng hạn như Hamas thấy rằng họ sẽ không hề hấn gì sau khi tấn công một đồng minh mạnh nhất của chúng ta ở Trung Đông. Việc Mỹ cần sát cánh với Israel và cộng đồng người Do Thái có vai trò hết sức quan trọng”, ông Ronna McDaniel đánh giá./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết