Tiếng Việt | English

01/07/2020 - 20:59

Xung đột Trung-Ấn: Căng thẳng từ biên giới lãnh thổ lan sang kinh tế

Căng thẳng Ấn- Trung đang có dấu hiệu lan sang lĩnh vực kinh tế, ảnh hướng lớn đến lợi ích của cả hai quốc gia.

Bất chấp những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới sau vụ đụng độ gây chết người lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, căng thẳng Ấn- Trung đang có dấu hiệu lan sang lĩnh vực kinh tế, ảnh hướng lớn đến lợi ích của cả hai quốc gia.

Người biểu tình Ấn Độ cầm biểu ngữ tẩy chay hàng Trung Quốc tại New Delhi vào 12/6. Ảnh: AFP.

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) hôm nay (1/7) chính thức xem các hãng công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Quyết định của Mỹ có thể tác động lớn đến các đồng minh thân thiện, trong đó có Ấn Độ, đưa ra những bước đi tương tự. Kể cả trước khi có thông báo từ Mỹ, Chính phủ Ấn Độ cũng được cho là đang cân nhắc loại bỏ các công ty Trung Quốc, trong đó có tập đoàn công nghệ Huawei, ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G thế hệ mới của nước này.

Quyết định của Ấn Độ, nếu được thực hiện, có thể đánh dấu mức căng thẳng mới trong quan hệ với Trung Quốc sau sự cố đụng độ tại biên giới. Trung Quốc nhiều lần cảnh báo đưa ra biện pháp đáp trả nếu như Ấn Độ cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G. Chính phủ Ấn Độ trước đó cũng tuyên bố sẽ chặn 59 ứng dụng của Trung Quốc như TikTok và WeChat, coi đây là các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Phản ứng trước quyết định của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, Ấn Độ phải có trách nhiệm duy trì quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc: “Trung Quốc lo ngại sâu sắc về các thông báo từ phía Ấn Độ. Chúng tôi đang kiểm tra và xác định tình hình.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng phía Trung Quốc luôn đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế, luật địa phương và các quy định khi hợp tác với nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ cũng phải có trách nhiệm đảm bảo quyền hợp pháp của các nhà đầu tư bao gồm các tập đoàn Trung Quốc. Sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại lợi ích lẫn nhau. Sẽ không nằm trong lợi ích của Ấn Độ nếu hoạt động hợp tác này bị gián đoạn”.

Tình hình biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc được cho là đã hạ nhiệt sau khi đụng độ xảy ra, nhưng có nguy cơ diễn ra một cuộc chiến ngầm kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng này. Làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ tại Ấn Độ, trong khi có nhiều nguồn tin về việc các doanh nghiệp Ấn Độ đang xem xét hủy bỏ hợp đồng đã ký với Trung Quốc.

Hiệp hội sản xuất và cung cấp điện thoại di động và linh kiện điện tử Ấn Độ- đại diện cho Apple (AAPL) và Foxconn mới đây phàn nàn với Bộ Tài chính Ấn Độ rằng, tất cả hàng nhập khẩu điện tử từ Trung Quốc đang được xem xét kỹ lưỡng tại các cảng ở Ấn Độ. Một số nhà phân tích Ấn Độ còn kêu gọi áp thuế cao đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cùng các biện pháp hạn chế khác.

Mặc dù vậy cũng phải chấp nhận một thực tế rằng Ấn Độ có thể giảm dần quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng khó tẩy chay toàn bộ về kinh tế vì sự phụ thuộc của Ấn Độ vào các mặt hàng điện thoại và nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu…. từ Trung Quốc.

Các hoạt động kinh tế đầu tư của Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp Ấn Độ mà còn đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại quốc gia này. Với những lợi ích giữa hai quốc gia láng giềng này, giới quan sát nhận định Ấn Độ không có nhiều lựa chọn cả về kinh tế lẫn quân sự.

Nhiều khả năng nhất là Ấn Độ có thể đẩy nhanh xoay trục chiến lược của Ấn Độ về phía Mỹ, trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy ý định xây dựng một liên minh mới thời kỳ “hậu Covid-19” với mục tiêu đối đầu với Trung Quốc./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích