Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa-bác sĩ Lại Ngọc Liệp: Không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn
Nghề y là nghề được đào tạo lâu nhất, cẩn thận nhất, khó khăn, phức tạp nhất trong các ngành nghề được đào tạo. Người bác sĩ phải học 6 năm, trong thời gian học lại phải thực tập ở phòng thí nghiệm, thực tập tại bệnh viện. Và trong quá trình làm việc, bác sĩ cần nỗ lực hết mình, vừa áp dụng kiến thức, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế. Để tạo được niềm tin yêu từ người dân, đội ngũ cán bộ y tế phải không ngừng phấn đấu...
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn nhiều hình ảnh chưa đẹp về những người mặc áo blouse trắng, gây bức xúc cho bệnh nhân và cho chính những người đang công tác trong ngành y.
Trước thực trạng đó, đội ngũ y, bác sĩ hiện nay phải không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt, học hỏi, ứng dụng những tiến bộ của y học thế giới vào hoạt động khám, chữa bệnh; rèn luyện y đức, vững vàng bản lĩnh, đấu tranh với những cám dỗ, tiêu cực để giữ hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc. Đó chính là y đức!
Trưởng khoa Hồi sức, cấp cứu, chạy thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa - bác sĩ Bùi Văn Vũ: Hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân
Theo tôi, mỗi ngành nghề đều có vai trò, vị trí và ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển chung của đất nước. Nghề y cũng thế, bác sĩ nói riêng và đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế nói chung đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp, nhất là bác sĩ, những người mà công việc có liên quan đến sức khỏe, tính mạng người khác lại càng phải có lương tâm, trách nhiệm với nghề.
Nghề y là nghề cao quý, bác sĩ ngoài việc yêu thương, chăm sóc, xem bệnh nhân như người thân còn phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân.
Bác sĩ về hưu Nguyễn Văn Đức: Thầy thuốc phải xem người bệnh như người thân
Có 2 nghề mà từ xưa luôn được mọi người tôn trọng: Đó là thầy giáo và thầy thuốc. Bởi thầy giáo là người khai sáng, còn thầy thuốc là người chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.
Khi chọn ngành y, bản thân mỗi người, ai cũng có cái tâm hướng thiện. Trong quá trình học tập, sinh viên ngành y được dạy rất nhiều về y đức, về đạo làm thầy thuốc cũng như chứng kiến biết bao cảnh đau thương, nghiệt ngã của những trường hợp bệnh hiểm nghèo,... những điều đó được tích lũy trong quá trình học tập và làm việc của người thầy thuốc.
Theo tôi, thầy thuốc có y đức là người không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất để giúp đời, giúp người.
Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo của đơn vị nào quan tâm thường xuyên và đặt nặng vấn đề y đức, giáo dục, uốn nắn nhân viên thuộc quyền quản lý của mình thì nơi đó, y đức luôn được giữ vững và nâng cao.
Nữ hộ sinh Trần Thị Thu Lan - Trưởng trạm Y tế thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành: Thầy thuốc phải nâng cao tinh thần trách nhiệm
Y đức là một phẩm chất quan trọng. Vì thế, công tác giáo dục y đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc luôn được chú trọng.
Hàng tháng, trạm đều tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả hoạt động. Đồng thời, nhắc nhở đội ngũ cán bộ y tế của trạm thực hiện theo đúng Thông tư số 07 của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.
Phong trào thi đua Học tập và làm theo gương Bác có những ảnh hưởng tích cực đến đạo đức, tác phong của từng cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, đội ngũ cán bộ y tế của trạm phát huy năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phục vụ bệnh nhân tận tình, chu đáo, thường xuyên duy trì lịch trực, có mặt khi người bệnh cần, không kể ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ nhằm hướng đến sự hài lòng của người dân. Năm 2016, trạm triển khai hòm thư góp ý để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh.
Điều dưỡng Trương Thị Ngọc Hà - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Long An: Phải luôn trau dồi y thuật lẫn y đức
Chăm sóc sức khỏe nhân dân là một nghề đặc biệt, mang sứ mệnh thiêng liêng, cao cả. Do đó, bản thân mỗi cán bộ, y, bác sĩ phải không ngừng rèn luyện y thuật cũng như y đức.
Hơn 5 năm công tác tại Khoa Khám bệnh, tôi luôn thực hiện theo chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người điều dưỡng: An toàn, thân thiện, tôn trọng, năng lực, trung thực, công bằng, hợp tác và cam kết. Hàng ngày, khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, áp lực công việc rất cao nhưng tôi luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người bệnh để hiểu và thông cảm cho họ.
Trong các cuộc họp khoa hàng tháng, trưởng khoa đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm từng bước đổi mới thái độ phục vụ của từng cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân. Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Ông Nguyễn Văn Giao, ngụ xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ: Thầy thuốc như mẹ hiền
Là sĩ quan về hưu nên tôi được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, vì vậy mà các chi phí khám, chữa bệnh được giảm đáng kể. Bản thân tôi nhiều lần điều trị bệnh từ các bệnh viện địa phương cho đến bệnh viện lớn ở TP.HCM. Tôi và người nhà đánh giá cao tinh thần, thái độ phục vụ của các cán bộ ngành y từ nhân viên, điều dưỡng cho đến đội ngũ y, bác sĩ .
Việc làm giấy tờ, thủ tục dù vẫn phải chờ đợi khá lâu nhưng tôi thông cảm vì hiểu được sự vất vả và cố gắng của đội ngũ y tế bệnh viện. Những năm gần đây, tôi cảm nhận được sự cải thiện rõ rệt của ngành Y tế trong tỉnh. Các dịch vụ khám, chữa bệnh, chế độ ưu tiên đều hướng đến lợi ích của người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chất lượng khám, chữa bệnh cũng được nâng lên, tạo sự tin tưởng cho người bệnh. Tôi mong các cán bộ y tế tiếp tục phát huy tinh thần làm việc, nâng cao tay nghề để chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân, nhất là đối với người nghèo,...
Cô Dương Thị Na, ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh: Y, bác sĩ tuyến cơ sở luôn nhiệt tình, niềm nở
Gia đình tôi thường đến trạm y tế xã để khám các bệnh như cảm, sốt, đau bụng,... chỉ khi nào bệnh nặng thì mới lên bệnh viện tuyến tỉnh để chữa trị. Đội ngũ y, bác sĩ ở trạm y tế luôn giữ thái độ niềm nở, gần gũi, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, mỗi lần khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh lại tốn thêm nhiều chi phí nên với những bệnh thông thường, họ thường chọn đến trạm y tế. Giờ đây, các trạm được trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện khám, chữa bệnh, đội ngũ y, bác sĩ lại niềm nở, nhiệt tình nên trạm y tế trở thành địa chỉ tin cậy.
Theo tôi, việc đầu tư, nâng cấp trạm y tế xã và bổ sung y, bác sĩ về phục vụ người dân tuyến dưới còn góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện ở tuyến trên./.
Song Hồng-Huỳnh Hương-Bích Ngân