Ứng phó tốt
Theo đánh giá của Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh, năm nay, mức độ mặn xâm nhập nghiêm trọng hơn năm 2016 nhưng nhờ chỉ đạo chung của Bộ, các địa phương đưa ra nhiều giải pháp để chủ động ứng phó từ rất sớm nên hầu như giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh đánh giá cao công tác chủ động phòng, chống hạn mặn tại Long An
Qua khảo sát tại cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Thứ Trưởng - Lê Quốc Doanh cho biết: “Thực tế cho thấy, người dân địa phương rất chủ động trong việc sản xuất ứng phó hạn, mặn; tích trữ bơm nước ngọt phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân; nhiều giải pháp tiết kiệm nước và giữ ẩm cho các loại cây trồng như thanh long là rất hiệu quả trong điều kiện hạn, mặn hiện nay”.
Ngoài ra, Thứ trưởng nhận định, không những Long An mà nhìn chung, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, gần như các diện tích lúa Đông Xuân đều thoát khỏi sự ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập. Hiện toàn vùng đã thu hoạch trên 700.000ha lúa Đông Xuân, dự kiến cuối tháng 2 sẽ thu hoạch trên 1 triệu ha; năng suất khá, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 tạ/ha. Đối với các cây màu, cây ăn quả, nông dân các địa phương tích cực đưa ra các giải pháp hạn chế hạn, mặn xâm nhập, chủ động tích trữ nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh, lúa Đông Xuân 2019-2020 thoát khỏi sự ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn
Tại cuộc khảo sát, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn đã vào sâu 140km so cửa biển. Qua dự báo các ngành của Trung ương, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT thì tỉnh Long An chủ động đề xuất vận động nông dân gieo sạ sớm để “né” hạn, mặn. Hiện tại, vụ Đông Xuân 2019 - 2020 là trên 226.000ha, trong đó có khoảng 6.000ha ở vùng hạ bị ảnh hưởng hạn, mặn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các địa phương khắc phục nguồn nước, trước hết đã bảo đảm khoảng 4.000ha lúa không bị ảnh hưởng; còn khoảng hơn 2.000ha bị ảnh hưởng năng suất và sản lượng. Nếu so ảnh hưởng thiệt hại hạn, mặn năm 2016 (trên 100 tỉ đồng) thì năm nay, thiệt hại ít hơn rất nhiều; tính đến thời điểm hiện tại, chưa có diện tích lúa nào bị thiệt hại hoàn toàn.
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát cánh đồng lúa tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An
Là địa phương chịu ảnh hưởng hạn, mặn nặng nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết: “Toàn huyện có khoảng 4.500ha lúa Đông Xuân 2019-2020. Tuy nhiên, gần 2.000ha có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó, khoảng 1.700ha bị ảnh hưởng giảm năng suất và chất lượng khoảng 30-70%. Nguyên nhân do phần lớn người dân không theo lịch khuyến cáo gieo sạ của địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Ta, ngụ xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Tôi có gần 0,4ha lúa Đông Xuân khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch. Do được khuyến cáo địa phương nên vụ này, tôi chủ động tích trữ nước vào ruộng, bảo đảm lúa phát triển tốt. Hiện xung quanh rất nhiều diện tích trong giai đoạn đồng trổ thiếu nước, địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cứu lúa cho nông dân chúng tôi”.
Các kênh, rạch trên địa bàn huyện Tân Trụ còn rất ít nước
Triển khai nhiều giải pháp
Trước tình hình hạn, mặn xâm nhập, tỉnh Long An chỉ đạo các ngành, địa phương và triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, các địa phương thường xuyên đo đạc, theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; liên tục cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên ngành như Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; kịp thời thông báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin truyền thanh và trên trang thông tin điện tử Phòng, chống thiên tai của tỉnh để các cấp chính quyền, địa phương và người dân trong tỉnh biết và chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.
Kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối (Cống Châu Phê, Ông Sen, Bà Phổ, kênh Thủ Thừa) để bơm nước vào đồng khi độ mặn giảm, bảo đảm phục vụ được cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng, ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.
Phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đề nghị cung cấp, bổ sung, tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ sản xuất. Các khu vực phía Nam không bảo đảm nguồn nước ngọt thì không được gieo sạ. Rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu bị thẩm lậu, bờ bao thấp và đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn: Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hoá, Đức Hoà, Đức Huệ. Kiểm tra các cống đầu mối, phủ bạt chống rò rỉ nước mặn vào nội đồng. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh, mương, nạo vét khơi thông dòng chảy.
Trên sông Vàm Cỏ Đông: Độ mặn 1,0 g/l đến cầu An Hạ, huyện Đức Hòa, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 88km; Độ mặn 4,0 g/l đến cống Rạch Chanh, huyện Thủ Thừa, cách sông Soài Rạp khoảng 55km.
Trên sông Vàm Cỏ Tây: Độ mặn 1,0 g/l đến cầu La Khoa, huyện Thạnh Hóa, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 92km; Độ mặn 4,0 g/l đến cống Bình Tâm, TP.Tân An, cách sông Soài Rạp khoảng 66km./.
|
Huỳnh Phong