Tiếng Việt | English

02/04/2016 - 18:33

“Ao làng” SEA Games đang làm khó thể thao Việt Nam ?

Danh sách 34 môn và 342 nội dung thi đấu tại SEA Games 29 năm 2017 do chủ nhà Malaysia công bố, khiến Việt Nam và các quốc gia khác phản ứng dữ dội.

Quanh quẩn “ao làng”

Bản danh sách đề xuất các môn và nội dung thi đấu tại SEA Games 29 năm 2017 mà nước chủ nhà Malaysia công bố, đã khiến các đoàn thể thao trong khu vực phản ứng quyết liệt.

Theo đó, kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á tới được nước chủ nhà đề xuất cắt bỏ rất nhiều nội dung hoặc bỏ hoàn toàn một số môn như canoeing, đấu kiếm, thể hình, bóng đá nữ, vật, boxing nữ, cử tạ nữ, judo… Đặc biệt môn điền kinh sẽ cắt 8 nội dung gồm: đi bộ 10.000m (nam, nữ), marathon (nam, nữ), 3.000m vượt chướng ngại vật (nam, nữ), 10 môn phối hợp (nam), 7 môn phối hợp (nữ).

VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng vừa giành vé tới Olympic Rio 2016 nhưng nhiều khả năng sẽ ở nhà tại SEA Games 29 do nội dung này bị chủ nhà Malaysia cắt bỏ. (Ảnh: Hoàng Hà).

Bản đề xuất này đã gặp sự phản ứng quyết liệt của tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Trao đổi với VOV.VN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn nói: “Không chỉ Việt Nam mà các nước đều có ý kiến về danh sách các môn thi đấu ở SEA Games 2017. Việc điều chỉnh và kết luận sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào tháng 7/2016. Quan điểm của Đoàn Thể thao Việt Nam là vẫn nên đưa vào các môn thể thao Olympic tại SEA Games, tuy nhiên, nước chủ nhà có quyền của họ”.

Như vậy là đã rõ, “quyền của nước chủ nhà” chính là nguyên nhân khiến kỳ Đại hội thể thao khu vực đang ngày càng đi ngược lại với quy chuẩn và hiến chương của Olympic cũng như thể thao thế giới. Cũng bởi “đặc quyền” đó mà nhiều môn thể thao trong nội dung Olympic cũng ngậm ngùi bị gạt ngang khỏi các kỳ SEA Games.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn muốn sự công bằng và ganh đua về thành tích theo quy định và hiến chương Olympic ở các kỳ SEA Games. (Ảnh: Hoàng Hà).

“ASEAN có văn hóa riêng, nhưng phải có quy chuẩn nào đó để nói lên rằng Đại hội thể thao này có sự ganh đua về thành tích theo quy định và hiến chương của Olympic”, ông Trần Đức Phấn nhận định về tính cục bộ và ngày càng bị hạn chế về “ao làng” SEA Games 2017 theo đề xuất của nước chủ nhà Malaysia.

Khó cho thể thao Việt Nam

Dù không trực tiếp tham dự cuộc họp hồi cuối tháng 2 của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á nhưng ông Trần Đức Phấn bày tỏ quan ngại về những khó khăn của thể thao nước nhà ở kỳ Đại hội khu vực lần thứ 29 sắp tới diễn ra tại Malaysia vào năm 2017.

Thể dục dụng cụ, một trong những thế mạnh của thể thao Việt Nam nhiều khả năng bị cắt bỏ tại SEA Games 29 ở Malaysia năm 2017. (Ảnh: Hoàng Hà).

“Việc tham dự SEA Games 29 là rất khó khăn với thể thao Việt Nam vì một số môn thể thao là thế mạnh của chúng ta không được đưa vào tại Đại hội, trong đó một vài nội dung liên quan các VĐV nữ cũng bị loại bỏ. Trong các kỳ SEA Games vừa qua, trừ các kỳ ở giai đoạn đầu chúng ta không có đủ VĐV tham dự đầy đủ các môn thì kỳ đại hội tới tại Malaysia là không hề dễ dàng với Thể thao Việt Nam cả về chuyên môn và chỉ tiêu huy chương”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn nhận định.

Theo chia sẻ của ông Trần Đức Phấn, thể thao Việt Nam đang tiến tới đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Olympic và ASIAD, tuy nhiên, tại kỳ Đại hội này rất nhiều các môn thể thao Olympic là thế mạnh của Việt Nam lại không được tham dự. 

Đây là một trong những ví dụ điển hình về việc các kỳ SEA Games đang dần đi ngược lại so với tiêu chí và hiến chương của Olympic. Tính cục bộ của “ao làng” khiến kỳ Đại hội thể thao khu vực ngày càng trở thành những buổi thao diễn thể thao của các nước chủ nhà./.

Ngọc Duy/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích