Tiếng Việt | English

23/11/2015 - 14:49

“Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”

Nhiều ý kiến lo ngại về những diễn biến, hành động của các bên liên quan làm trầm trọng hơn những nguy cơ đe doạ hoà bình, an ninh ở Biển Đông.

Với chủ đề: “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” - Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 khai mạc sáng 23/11, tại thành phố Vũng Tàu. Trên 200 chuyên gia, học giả trong nước và nước ngoài tham dự hội thảo nhằm đánh giá tình hình Biển Đông, đưa ra dự báo, khuyến nghị chính sách để góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp, duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Đây là hoạt động do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam khẳng định, năm 2015, Biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe doạ sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông trên biển quan trọng hàng đầu của thế giới; đe doạ tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đã đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông hàng nghìn năm qua; đe doạ sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực.

“Quan trọng nhất là tập hợp các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Biển Đông, chuyên gia về luật pháp quốc tế, về lịch sử, về quan hệ quốc tế… để đánh giá những sự kiện xảy ra trên Biển Đông trong thời gian gần đây. Phân tích chia sẻ những kết quả nghiên cứu của họ trong suốt 1 năm qua. Đồng thời, bàn bạc đưa ra những kiến nghị để giúp cho chính phủ các bên liên quan, những nước có lợi ích ở Biển Đông có phương án để xử lý, xây dựng Biển Đông thành khu vực hoà bình, hợp tác, hoặc ít nhất cũng kiểm soát được những xung đột, không để bùng phát trở thành xung đột nóng có hại cho sự phát triển chung, bởi Biển Đông ngày càng quan trọng đối với tất cả các nước”, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.

Các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước tham dự Hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về những diễn biến, những hành động và ứng xử của các bên liên quan tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm phức tạp thêm tình hình và làm trầm trọng hơn những nguy cơ đe doạ hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Biển Đông. So sánh lực lượng của các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông đang thay đổi nhanh, sự hiện diện và mức độ hoạt động của các bên có lợi ích ở Biển Đông đang thay đổi, thực trạng chiếm đóng của các bên, nhất là ở Hoàng Sa và Trường Sa thay đổi rất nhanh.

Trong một thế giới toàn cầu hoá, Biển Đông ngày càng quan trọng đối với an ninh và phát triển không chỉ của khu vực mà của toàn thế giới. Với tinh thần thẳng thắn, hợp tác và xây dựng, đồng thời phát huy kết quả 6 hội thảo các năm trước, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần này có 2 điểm mới, đó là có thêm phiên đánh giá những tác động của tình hình thế giới tới Biển Đông và một phiên giả định về những kịch bản sẽ xảy ra trên Biển Đông và ứng xử của các bên liên quan.

Ban tổ chức cũng mời và tạo điều kiện cho các học giả trẻ, các “lãnh đạo trẻ” tham gia hội thảo góp phần hình thành một lực lượng kế cận, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, kiến nghị chính sách về Biển Đông./.

Huy Sơn/VOV-TPHCM 

Chia sẻ bài viết