Biết làm việc trong khu cách ly là khó khăn, vất vả, phải tạm xa gia đình trong thời gian khá dài để thực hiện nhiệm vụ nhưng vì trách nhiệm của người thầy thuốc, vì mọi người đang cần đến mình nên họ, những “chiến binh” blouse trắng, sẵn sàng nhận và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chống dịch không chỉ là cuộc chiến với vi-rút SARS-CoV-2 mà các y, bác sĩ còn đối mặt với những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Có một số người không hợp tác, trốn cách ly hoặc không tuân thủ các quy định gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Đội ngũ y, bác sĩ phải mất nhiều công sức giải thích, vận động để những trường hợp này chấp hành đúng quy định cách ly. Có người cho rằng trong khu cách ly bị gò bó, vậy các y, bác sĩ có được tự do, thoải mái không khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người nghi ngờ bị lây nhiễm, vừa “căng mình” điều trị các ca nhiễm, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly? Vì nhiệm vụ, vì sức khỏe người dân và vì “cuộc chiến” với dịch bệnh, họ chấp nhận xa gia đình, gác lại cuộc sống thường nhật để làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao thì tại sao các trường hợp cách ly lại không chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch?
Trước tết, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Hỗ trợ các địa phương chống dịch, nhiều y, bác sĩ tình nguyện đến vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh trong thời điểm tết cận kề. Gác lại niềm vui sum họp cùng gia đình trong dịp tết, bất chấp nguy hiểm khi vào làm việc tại nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sĩ hỗ trợ các địa phương vượt qua khó khăn. Hay trong lúc tình hình dịch bệnh tại Gia Lai diễn biến phức tạp, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM với những bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết đã kịp thời đến hỗ trợ. Thông điệp “Không có ngày tết, khi nào hết dịch sẽ trở về” của đội đã lan tỏa tinh thần xung kích, tình nguyện và truyền đi nguồn năng lượng tích cực để mọi người cùng chung tay chống dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh tại các địa phương cơ bản đã được kiểm soát, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó có phần đóng góp rất lớn của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các y, bác sĩ đặt lên vai mình trọng trách cứu người. Tháng 7/2020, cả nước hồi hộp theo dõi ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ, tách rời cặp song sinh Trúc Nhi, Diệu Nhi. Quyết giành lại sự sống bình thường cho 2 “thiên thần” nhỏ, sau nhiều lần hội chẩn, ê-kíp đã thành công khi tách rời cặp song sinh. Cảm xúc vỡ òa khi ê-kíp mổ đã giúp Trúc Nhi, Diệu Nhi tìm được hình hài độc lập và có thể phát triển như bao đứa trẻ khác.
Hàng ngày, hàng giờ, trên khắp cả nước, đội ngũ y, bác sĩ vẫn ngày đêm giành lại sự sống cho người bệnh, nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng luôn đặt trọng trách cứu người trên vai. Với những “chiến binh” blouse trắng, không có gì hạnh phúc bằng khi thấy người bệnh khỏe mạnh, chiến thắng bệnh tật. Và đó chính là động lực để họ tiếp tục nỗ lực, cống hiến./.
Tâm Yên