Tiếng Việt | English

30/12/2016 - 09:37

“Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”

Đây là khẳng định chung của tất cả đại biểu tham dự lễ khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vừa được tổ chức tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đến nay, triển lãm không chỉ được tổ chức tại 48 tỉnh, thành trong cả nước mà còn ở một số nước.


Đại biểu tham quan triển lãm

Triển lãm lần này với 158 tư liệu, hình ảnh, bản đồ phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục từ thời triều Nguyễn đến nay. Để bảo đảm tính liên tục và với tư cách kế thừa sở hữu các vùng biển và quần đảo từ các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây, sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước khẳng định một lần nữa trách nhiệm tiếp tục duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong những năm 1979, 1981, 1988, Bộ Ngoại giao công bố sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo. Tiếp theo Hiến pháp 1982, Hiến pháp 1992 sửa đổi lại khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên biển. Năm 2003, Luật Biên giới quốc gia cũng một lần nữa xác lập các đơn vị hành chính biển với 12 huyện đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển. Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền bất kỳ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm cho đến nay.

Để các cán bộ và người dân dễ theo dõi và tìm hiểu, triển lãm tại Cần Đước trưng bày theo 3 nhóm tài liệu chính. Đó là các phiên bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đại phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; các phiên bản bằng văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam ban hành từ năm 1954 đến năm 1975; các phiên bản hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay. Qua các mốc thời gian đều liên tiếp khẳng định và thực thi, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhóm tài liệu thứ hai là một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ ba là các bằng chứng, do chính các Nhà nước phong kiến của Trung Quốc qua các thời kỳ,... Điều chính yếu là từ tài liệu này cho thấy, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Với những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Tại buổi triển lãm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên cho rằng, triển lãm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân cũng như kiều bào ở nước ngoài, nhất là tầng lớp thanh niên trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết