Tiếng Việt | English

07/08/2018 - 11:04

“Hồn” kiểng cổ Nam bộ

Có nhiều giả thuyết về sự ra đời của kiểng cổ Nam bộ (KCNB). Nhưng, dù nguồn gốc từ đâu thì mỗi cây KCNB đều là sự sáng tạo, mang những bức thông điệp ý nghĩa về những giá trị trong cuộc sống.

Một cặp kiểng cổ Nam bộ “Tam cang ngũ thường”

Một cặp kiểng cổ Nam bộ “Tam cang ngũ thường”

1. Các nghệ nhân tham gia hội thảo KCNB tại Long An đều cho rằng, “cổ” ở đây không phải cổ thụ, mà là cổ xưa. Chơi kiểng cổ là chơi kiểng theo kiểu người xưa. Ông cha ta ở Nam bộ từng làm nên một loại cây kiểng độc đáo, mang đặc thù Nam bộ với tên KCNB. Loại kiểng này đòi hỏi tạo hình “chiết chi nhị diện” (nhánh chĩa 2 mặt phải, trái) với ba bộ: Nhị thập tứ hiếu, Tam tùng tứ đức và Tam cang ngũ thường.

Nhắc lại cuộc hội thảo cùng chuyên đề do Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, Bộ môn Thực vật - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Hội Hoa lan - Cây cảnh TP.HCM tổ chức tại Cần Thơ năm 2001, cuộc hội thảo tại Long An nêu 3 giả thuyết về nguồn gốc sản sinh KCNB: Do Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng - thông gia với vua Minh Mạng và là ông ngoại vua Tự Đức (1847-1883) - gốc người Gò Công, mang kiểng từ cung đình Huế về quê nhà trồng.

Tuy nhiên, hiện cây kiểng đó thế nào không ai tìm thấy. Giả thuyết thứ 2 là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh khi vào kinh lý đất Nam bộ, đưa nhiều lưu dân theo để “khẩn hoang mở cõi”. Họ ra đi, mang theo cây kiểng cố xứ trồng trên đất mới để nhớ về quê cha, đất tổ miền Trung.

Tuy nhiên, lưu dân phần lớn trốn tránh tù đày, thuế khóa của triều Nguyễn mà trồng kiểng “Tam cang ngũ thường” có hợp lý chăng? Còn tại hội thảo Cần Thơ, cố nhà văn Sơn Nam - một nhà Nam bộ học có uy tín, nêu chính kiến: KCNB phát sinh trong hoàn cảnh đặc biệt: Thời Pháp thuộc, sau các cuộc khởi nghĩa của những sĩ phu yêu nước bị thất bại, họ quay sang chống Pháp bằng văn hóa, trước hết là chống lại nền văn hóa lai căng, mất gốc.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu khi ở ẩn tại chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc) vừa dạy học, vừa sáng tác thi ca yêu nước, chống Pháp. Rất có thể, trong sân vườn chùa có nhiều cây kiểng, cụ Đồ Chiểu nghĩ ra cách thể hiện cây kiểng có hồn cốt hướng về cội nguồn tổ tiên, bản sắc văn hóa dân tộc,... để thức tỉnh nhân dân. Rồi cụ chỉ dạy cho các môn đệ làm. Cây KCNB ra đời từ đó, đến nay đã trên 150 năm. Ý kiến này của cố nhà văn Sơn Nam được mọi người tán thành, trong đó có nhà “kiểng cổ học” Nguyễn Văn Thạch - nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiênTP.HCM (hiện nghỉ hưu, ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc). Ông viết nhiều bài báo về KCNB, cho biết Cần Giuộc hiện sở hữu nhiều bộ kiểng “Tam cang ngũ thường” (dành cho nam giới) và “Tam tòng tứ đức” dành cho nữ giới.

Vậy nguồn gốc cây KCNB xuất phát từ đâu? Cần Giuộc, Gò Công hay từ lưu dân đi theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh? Cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp diễn!

2. Cũng tại hội thảo ở Long An, một vài người nói, Cà Mau có cụ Sáu Tự sở hữu nhiều cây KCNB trị giá 6-7 tỉ đồng. Thật ra, một cặp KCNB từ 100 năm tuổi trở lên trị giá tiền tỉ là chuyện bình thường!

Tuy nhiên, để có một cặp KCNB đúng khuôn mẫu, cây mẹ phải có gốc to, vững; ngọn phải nhỏ (đầu voi đuôi chuột); giữa thân phải cong theo hình cánh cung, tạo cái bụng cho cây con núp vào. Cây mẹ có 5 tàn tượng trưng cho “ngũ thường”: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (từ gốc lên ngọn). Cây con mọc trên bộ rễ cây mẹ và có 3 tàn tượng trưng cho “tam cang”; tàn dưới cùng phải lớn, vì nó là “quân thần cang” (đạo vua tôi); tàn giữa là phu phụ cang” (đạo vợ chồng - phu xướng phụ tùy) và tàn trên cùng là “phụ tử cang” (đạo cha con).

Nghệ nhân Sáu Tấn giới thiệu cây kiểng được tạo dáng mang ý nghĩa “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”

Nghệ nhân Sáu Tấn giới thiệu cây kiểng được tạo dáng mang ý nghĩa “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”

Còn ở Tiền Giang có nghệ nhân Sáu Tấn - đại tá quân đội về hưu, Chi hội trưởng Chi hội Kiểng cổ. Hơn 20 năm nay, ông miệt mài nghiên cứu, sáng tạo những cây kiểng mang tính giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo ông Sáu Tấn, vườn kiểng cổ của ông chỉ duy nhất cây mai chiếu thủy và có trăm cây kiểng chuyên đề trên. Ông sưu tầm những lời dạy của Bác Hồ rồi mày mò uốn sửa, tạo hình; đặc biệt, cây nào cũng có hình ngôi sao trên ngọn. Ông lấy giấy vẽ cho tôi xem cây mai chiếu thủy gốc to, ngọn nhọn cao vút và thẳng đuột, có 6 nhánh phân đều ra 2 bên, mỗi bên 3 tàn, trái, phải như nhau, tượng trưng cho: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Trong đó, tàn “chí công” trên cùng và tàn “vô tư” là cái ngọn hình ngôi sao. Dưới gốc còn có 2 cây con, mỗi cây có 3 tàn. Cây con bên này có tàn “mình”, tàn “người” và tàn “công việc”.

Ông giải thích: Đó là với mình phải nghiêm khắc, với người phải bao dung, với công việc phải tận tụy. Cây con bên kia cũng có 3 tàn: “Phụ”, “tử”, “tôn” (tức cha, con và cháu). Cha thì đi với mẹ, thể hiện vợ chồng thương yêu, hòa thuận. Con cháu phải vâng lời cha mẹ, ông bà; còn nhỏ chăm chỉ học hành; lớn lên thì khởi nghiệp, tạo dựng tương lai và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

“Tôi làm ra những cây kiểng này vừa để răn mình, vừa giáo dục các thành viên trong gia đình” - ông Sau Tấn nói và bày tỏ mong muốn, giới chơi kiểng đến thăm vườn kiểng cổ “cách tân” của ông để góp ý.

Những cây kiểng cổ vì thế mang trong mình nhiều giá trị sáng tạo và ý nghĩa nhân văn sâu sắc! Đó chính là “hồn” KCNB./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết