Tiếng Việt | English

08/01/2019 - 16:37

“Móc khóa tố giác tội phạm” - Mô hình đơn giản, ý nghĩa

Mô hình Móc khóa tố giác tội phạm của Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An nhằm đưa số điện thoại “đường dây nóng” của công an đến tận tay người dân.

Công an huyện Cần Giuộc cấp phát móc khóa cho người dân

Công an huyện Cần Giuộc cấp phát móc khóa cho người dân

Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết, mô hình được thực hiện từ tháng 3-2018. Móc khóa tố giác tội phạm là những móc khóa có in số điện thoại tiếp nhận thông tin của công an xã, công an huyện. Đây là mô hình được nâng cấp từ việc gắn bảng "tố giác tội phạm" trên đường phố. Theo đó, Công an huyện không chỉ cấp móc khóa cho các xã, thị trấn, công nhân trên địa bàn, mỗi người dân khi đến Công an huyện làm thủ tục đăng ký xe, làm giấy chứng minh nhân dân,... đều được cấp phát móc khóa này.

Theo Đội Xây dựng phong trào và phụ trách các xã về an ninh, trật tự (ANTT), Công an huyện Cần Giuộc, những năm trước, để hạn chế tình hình tội phạm, đơn vị in tờ rơi kèm số điện thoại đường dây nóng phát cho người dân. Song qua thời gian thực hiện, mô hình này chưa phát huy hiệu quả nên tập thể tìm tòi, sáng kiến thêm mô hình Móc khóa tố giác tội phạm.

Công an huyện Cần Giuộc phụ trách địa bàn rộng, tiếp giáp TP.HCM, dân cư đông nên tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp nhưng vẫn thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn, một phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình Móc khóa tố giác tội phạm. Trên từng chiếc móc khóa không chỉ có số điện thoại của công an các xã, thị trấn, Công an huyện Cần Giuộc mà còn có số điện thoại của một số địa phương giáp ranh: Huyện Bình Chánh, Nhà Bè (TP.HCM), huyện Cần Đước, Bến Lức. Gần 1 năm triển khai mô hình, thông qua các số điện thoại được cung cấp, người dân cung cấp cho cơ quan công an hàng chục nguồn tin có giá trị liên quan đến tình hình ANTT, an toàn giao thông,...

Anh Nguyễn Văn Tiến, ngụ xã Tân Kim, chia sẻ: “Địa bàn xã giáp ranh TP.HCM lại có nhiều dân nhập cư đến sinh sống và làm việc nên tình hình ANTT phức tạp hơn so với những nơi khác. Được công an cấp phát móc khóa miễn phí, chúng tôi yên tâm hơn. Trước đây, khi có sự việc cần báo cho lực lượng công an, chúng tôi phải chạy xe đến trụ sở mất nhiều thời gian. Bây giờ có móc khóa này, tôi chỉ cần gọi điện thoại mỗi khi có trộm, cướp thì lực lượng chức năng có mặt kịp thời”.

Hiện tại, Công an huyện in và cấp được hơn 41.500 chiếc móc khóa cho người dân. Trong đó, ngành phối hợp MTTQ Việt Nam huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện, Liên đoàn Lao động huyện,... cấp phát cho đoàn viên, hội viên, công nhân Công ty Sheen Bridge, Công ty Fuluh, Khu công nghiệp Long Hậu cũng như người dân các xã,...

Hội viên phụ nữ huyện Cần Giuộc nhận móc khóa trong những lần sinh họp chi, tổ hội

Hội viên phụ nữ huyện Cần Giuộc nhận móc khóa trong những lần sinh họp chi, tổ hội 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng thông tin, từ ý nghĩa của mô hình, hội triển khai đến hội viên, phụ nữ các xã, thị trấn và cấp phát móc khóa trong những đợt họp chi, tổ hội. Các chị xem đây là “bảo bối”, được gắn cẩn thận vào chìa khóa xe. Mô hình không chỉ giúp người dân dễ dàng trình báo khi xảy ra sự cố mà tội phạm cũng e ngại khi muốn “hành sự” trên địa bàn huyện.

Thượng tá Phạm Thanh Tâm - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, cho biết thêm, mô hình đơn giản nhưng bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân. Việc xây dựng mô hình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa và nắm được địa chỉ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, chủ động bảo vệ tài sản của mình và những người xung quanh. Từ đó, góp phần làm giảm các loại tội phạm, đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện phát triển./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết