Các bảng quảng cáo dịch vụ mua, bán đất dày đặc trên một đoạn đường qua xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa
Trước tết năm 2017, do có nhu cầu cần tiền để xây nhà trọ cho công nhân thuê nên ông Nguyễn Văn Khá, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, rao bán 3.000m2 đất lúa với giá 1 tỉ đồng, có người đến trả giá 800 triệu đồng nhưng ông không bán. Đến tháng 3/2017, có người ở TP.HCM đến gặp ông đặt vấn đề mua với giá 1,3 tỉ đồng. Thấy được giá nên ông đồng ý bán ngay và nhận tiền cọc trước 200 triệu đồng. “Sau 2 ngày nhận tiền cọc (chưa làm giấy tờ), người mua sang lại mảnh đất này cho một người khác với giá hơn 1,6 tỉ đồng” - ông Khá kể.
Theo tìm hiểu ở xã Mỹ Hạnh Nam thì hiện tại, có những nơi, 400m2 đất thổ bán với giá trên 2,1 tỉ đồng, trong khi đó, cách đây mấy tháng chỉ có giá 1 tỉ đồng; hay 1ha đất lúa giờ có giá bán 5 tỉ đồng, còn thời điểm trước tết 2017 chỉ có giá 2,5 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành, tình trạng “sốt” đất ở các xã: Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Hạ, chúng tôi nắm rất rõ. Có những khu vực, hiện nay, giá mua tăng đột biến gấp 5-6 lần so với mấy tháng trước.
Anh N.V.T, ngụ xã Đức Lập Thượng, cho biết, giá đất ở vùng ven TP.HCM biến động rất bất ngờ. Vừa rồi, người quen của anh đồng ý bán đất và nhận tiền cọc (chưa làm giấy tờ chuyển nhượng), sau đó lại chủ động hủy hợp đồng (ngoài trả lại tiền nhận cọc, chủ đất còn chấp nhận bồi thường lên đến 200% so với tiền nhận cọc) vì có người đến hỏi mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, theo anh T., cũng có những trường hợp đặt cọc tiền mua đất với chủ đất nhưng trong thời gian hẹn làm giấy tờ mà không tìm được người bán lại có giá cao, thậm chí giá còn sụt thê thảm so với khi mua nên đành ngậm ngùi bỏ cọc vì nếu “ôm” đất thì sẽ lỗ nặng.
Mặc dù, giá đất ở nhiều xã ở Đức Hòa đang được đẩy lên cao ngất ngưởng và theo cảnh báo đây là cơn “sốt” ảo nhưng gần đây, việc giao dịch mua - bán đất vẫn diễn ra rất sôi động. Nhiều điểm công chứng đều chật cứng người đến chứng thực các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng đất. Như Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đại tại huyện Đức Hòa (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) có rất đông người đến nộp hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất.
“Bình thường, bình quân mỗi ngày, chi nhánh tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, thế nhưng từ tháng 3/2017 đến nay, số hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất nộp vào tăng đột biến với mức bình quân trên 300 hồ sơ/ngày” - Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Đức Hòa - Huỳnh Thị Xuân Hồng cho biết.
Một khu đất trống ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa đang được rao bán
Còn tìm hiểu tại nhiều xã của huyện Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc cũng đang xảy ra “sốt” đất. Cụ thể, giá đất ở xã Tân Bửu và Mỹ Yên, huyện Bến Lức và một số xã của huyện Cần Giuộc: Phước Lý, Phước Hậu, Tân Kim, Long Thượng đều đang được đẩy lên cao ngất ngưởng, không thua kém là bao so với Đức Hòa. Điều đáng lo lắng, ở địa bàn diễn ra mua, bán đất sôi động như ở xã Long Thượng để xảy ra rất nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, chuyển nhượng trái phép; san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Từ đó, làm phá vỡ quy hoạch, hình thành những khu dân cư tự phát không bảo đảm các điều kiện hạ tầng thiết yếu: Giao thông, điện, nước, phòng cháy, chữa cháy,...
Theo tìm hiểu và xác nhận của chính quyền, những người mua đất ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (ven TP.HCM) chủ yếu đến từ TP.HCM. Trong đó, có nhiều người mua để bán lại kiếm lời. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Trên thực tế, nhu cầu thực sự về đất ở của người dân trong huyện Bến Lức không cao đến mức dẫn đến cơn “sốt” đất hiện nay. Theo đó, qua nắm bắt, người đến tìm mua chủ yếu từ TP.HCM; trong đó có nhiều người đầu cơ gom đất để chuyển nhượng lại kiếm lời. Từ thực trạng giá đất tăng chóng mặt như thời gian qua cũng khiến người dân bán đất và xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư”.
Nói về nguyên nhân tạo nên cơn “sốt” đất ở một số địa bàn của Long An giáp TP.HCM tăng cao đột biến như thời gian gần đây, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) - Phan Văn Cường thông tin: “Qua nắm thông tin thì do TP.HCM đang giải phóng mặt bằng một số vùng ở cặp kênh, rạch, khu ổ chuột nên nhiều người tìm về các vùng giáp ranh của Long An để mua đất, bởi so với đất ở thành phố thì còn rẻ hơn nhiều, khoảng cách địa lý đi - về thành phố cũng không xa. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân khác như xuất phát từ những thông tin về công trình, dự án sắp tới đầu tư kết nối vùng giữa TP.HCM và Long An nên có những người mua với mục đích “đón gió”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp nhận thấy nhu cầu mua đất ở tăng cao nên đầu cơ mua rồi bán lại để kiếm lời và đẩy giá lên cao”./.
Vũ Quang - Nhật Minh
(còn tiếp)
Bài 2: Cơ hội để "cò" đất "kiếm ăn" |