Tiếng Việt | English

30/09/2018 - 10:36

100% tử vong nếu phát bệnh dại

Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại (BD) mà nguyên nhân do chó, mèo cắn. Bác sĩ (BS) CKI. Phạm Thị Ngọc Lạc - Trưởng Phòng khám Đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, chia sẻ với chúng ta về cách phòng ngừa BD.

Tiêm ngừa phòng, chống bệnh dại

Tiêm ngừa phòng, chống bệnh dại

Phóng viên (PV): BD là gì, thưa BS?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: BD là bệnh do vi-rút dại gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong chắc chắn. BD ở chó, mèo được liệt vào danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay.

PV: Xin BS cho biết tình hình BD nói chung và tại tỉnh?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: Tại Việt Nam, chó là ổ chứa vi-rút chủ yếu, chiếm 96-97%; sau đó là mèo với 3-4%. BD lưu hành hầu hết ở các tỉnh, thành phố. Từ năm 1990, trung bình mỗi năm, Việt Nam có 350-500 ca tử vong. Từ 1996, sau khi Chính phủ triển khai tăng cường phòng, chống BD, số ca tử vong giảm còn khoảng 100 ca/năm, tuy nhiên, số ca mắc dại lại có xu hướng tăng, chưa kể khoảng 400.000 người phải tiêm phòng do bị súc vật cắn.

Tại Long An, qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, 6 tháng đầu năm 2018, chưa ghi nhận trường hợp mắc BD. Tuy nhiên, tại phòng khám ghi nhận mỗi tháng có khoảng 120 trường hợp đến tiêm ngừa dại do bị súc vật cắn.

PV: BD lây truyền như thế nào, thưa BS?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, thường lây qua vết cắn, vết liếm của động vật vào vết thương của người. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp hoặc do ghép giác mạc. Nhiễm BD từ người qua người rất hiếm gặp. Về mặt lý thuyết, BD có thể khởi đầu từ nước bọt bệnh nhân sang người tiếp xúc, nhưng trên thực tế chưa bao giờ ghi nhận được cách truyền bệnh này.

PV: Những biểu hiện của BD ở người?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: Người bị BD có biểu hiện khác nhau theo từng thể, từng giai đoạn mắc dại tương ứng với giai đoạn vi-rút dại xâm nhập và di chuyển tới đâu trong cơ thể bệnh nhân. BD ở người do một loại vi-rút gây ra, thông thường do chó dại cắn. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương. Vi-rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh. Người bị BD có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7-10 ngày.

PV: Xin BS cho biết rõ diễn tiến BD ở người như thế nào?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: Tùy vào vị trí vùng bị cắn - vết thương ở vùng đầu và cổ, bộ phận sinh dục, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay, thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách gần hơn cho vi-rút xâm nhập vào mô thần kinh. Đối với trẻ em, thường bị cắn ở mặt nên thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong chỉ sau 2-3 ngày. Do đó, diễn tiến BD có nhiều biểu hiện khác nhau theo từng thể, từng giai đoạn mắc dại tương ứng với giai đoạn vi-rút dại xâm nhập và di chuyển tới đâu trong cơ thể bệnh nhân, diễn tiến theo các thời kỳ như sau:

Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ này tương ứng với sự di chuyển và nhân lên của vi-rút. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào khoảng cách từ vị trí vết cắn đến thần kinh trung ương xa hay gần, vết cắn càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời gian ủ bệnh ngắn nhất khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.

Thời kỳ khởi phát: Từ 2-4 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị sưng tấy. Những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết. Đồng thời, người bệnh còn có các triệu chứng: Bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.

Thời kỳ toàn phát, có 3 thể chính:

Một là thể co thắt. Đây là thể thường gặp nhất. Đặc điểm của thể này là co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt. Co thắt hô hấp và co thắt thanh quản khiến bệnh nhân khó thở là biểu hiện tổn thương hành tủy và là triệu chứng đặc trưng của bệnh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là nhân lên cơn dại:

Sợ nước: Bệnh nhân thường rất khát nhưng khi uống nước, họ bị co thắt lồng ngực, bị run cầm cập. Trạng thái này qua mau nhưng để lại ấn tượng kéo dài cho bệnh nhân, vì vậy họ không muốn uống nước mặc dù rất khát. Từ đó, dẫn đến chỉ cần nhìn thấy 1 ly nước hoặc nghe tiếng nước chảy cũng sợ.

Sợ ánh sáng: được mô tả tương tự như biểu hiện sợ nước. Tính cách bệnh nhân không bình thường. Bệnh nhân bị phấn khích quá độ khi bị kích thích. Không phát hiện thấy dấu hiệu mất tri thức. Những cơn co thắt đầu tiên còn xa nhau, càng ngày càng dày hơn và người bệnh thường tử vong sau 3-4 ngày do ngất hoặc ngạt trong một cơn co thắt sợ nước hoặc sau một cơn hôn mê.

Hai là thể liệt. Thể này hiếm hơn, kém điển hình hơn, không có dấu hiệu phấn khích quá độ. Bệnh xuất hiện rất nhanh sau giai đoạn co thắt, run. Liệt có thể tiên phát và bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên (hội chứng Landry) hoặc xuống dưới. Người bệnh thường bị tử vong do ngạt nước hoặc ngất vào ngày thứ 4. Diễn tiến bệnh thường không quá 4-10 ngày.

Ba là thể cuồng. Bệnh nhân bị kích thích quá độ, có những phản ứng dữ tợn, trở nên hung bạo. Vì vậy, bệnh nhân thường có những hành vi không bình thường như chống lại y, BS và những người quanh mình. Thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.

PV: Khi bị súc vật cắn, chúng ta cần xử trí vết thương như thế nào cho đúng, thưa BS?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: Sau khi bị súc vật cắn, chúng ta cần rửa vết thương ngay bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn lại bằng cồn 700 hoặc thuốc sát khuẩn Povidine lên vết cắn. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu đơn giản và hiệu quả nhất để phòng, chống BD. Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt và phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Rửa vết thương bằng xà phòng sau khi bị súc vật cắn

Rửa vết thương bằng xà phòng sau khi bị súc vật cắn

Mọi người cũng cần lưu ý là khi rửa không làm giập, nát thêm vết thương hoặc tổn thương rộng hơn. Không sử dụng các chất kích thích bôi, đắp vào vết thương như tỏi, bột ớt, chanh, giấm,... Không băng bó, đắp thuốc kín vết thương. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc Nam để điều trị. Nghiêm cấm việc giết mổ đối với động vật bị dại hoặc nghi dại.

PV: Thưa BS, sau khi xử trí vết thương, tiếp theo chúng ta cần làm gì?

BS.Phạm Thị Ngọc Lạc: BD là một bệnh nguy hiểm, y học khẳng định BD khi đã lên cơn thì 100% bệnh nhân đều tử vong. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể. Việc theo dõi sát súc vật sau khi bị cắn là rất cần thiết. Nếu súc vật sau khi cắn người mà không theo dõi được thì chúng ta phải tiêm phòng dại sớm, tiêm phòng dại ngay khi bị cắn.

PV: Người bị súc vật cắn có thể đến đâu để tiêm ngừa, thưa BS?

BS. Phạm Thị Ngọc Lạc: Người bị súc vật cắn cần tiêm ngừa BD đúng theo lịch tiêm, đủ liều, không được bỏ mũi tiêm. Hiện nay, tại các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đều có vắc-xin phòng ngừa BD ở người.

PV: Xin cảm ơn BS!

Khuyến cáo phòng, chống bệnh dại:

- Người dân hạn chế nuôi chó, mèo. Nếu nuôi, phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y; phải nuôi nhốt, không được thả rông; không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo, đặc biệt là khi chúng đang ăn.

- Khi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu, bia, không dùng thuốc kháng viêm (Corticoid) và thuốc ức chế miễn dịch.

- Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 10 ngày kể từ ngày bị cắn xem con vật có bị bệnh, chết, lên cơn dại,... để có hướng xử lý tiếp theo.

- Không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại. Không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch.

- Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị dại. Cách ly theo dõi động vật nghi dại. Tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

Minh Thái(thực hiện)

Chia sẻ bài viết