Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nền giáo dục nước nhà đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, khó khăn và thách thức đan xen.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH), Viện sĩ, nhà giáo nhân dân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc cho biết, năm 1975, nước ta giành độc lập, non sông thu về một mối. Tuy nhiên, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống của nhân dân vô cùng thiếu thốn.
Cùng những khó khăn chung về kinh tế-xã hội của đất nước, sự nghiệp giáo dục của nước nhà thời kỳ đó cũng đối diện với nhiều thách thức.
Qua 30 năm đổi mới đất nước, ngành Giáo dục vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức (ảnh minh họa)
Trong 10 năm từ 1975-1985, các tỉnh thành đều thiếu thốn về cơ sở vật chất trường học, giáo viên, có nơi nhiều học sinh bỏ học...
Năm 1986 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta khi mở ra một thời kỳ đổi mới kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Từ năm 1987, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc đã chủ trì Hội nghị Giám đốc giáo dục ở các tỉnh đã đề ra khẩu hiệu “Giữ vững, củng cố, ổn định và phát triển giáo dục”.
Từ năm 1985-1990, Bộ GD-ĐT đã xây dựng triết lý giáo dục dạy học sinh phải theo phát triển tri thức, kỹ năng và thái độ. Cho đến nay, triết lý này vẫn đang được phát triển ở các trường trên các cấp học. Điều này có ý nghĩa cho việc biên soạn sách giáo khoa từ cấp Tiểu học đến THPT.
Trong những năm đổi mới của đất nước, ngành Giáo dục đã phát triển hệ thống giáo dục quốc dân từ hệ 10 năm lên thành 12 năm.
Đến nay, chúng ta đã thực hiện phổ cập giáo dục cấp Tiểu học và THCS theo tiêu chí quốc tế.
Trong 30 năm qua, ngành Giáo dục đã thực hiện được khẩu hiệu “Đại trà và mũi nhọn”. Theo đó, nước ta đã thực hiện được phổ cập giáo dục và đào tạo thế hệ học sinh giỏi tham gia các kỳ thi Học sinh giỏi quốc tế, mang về nhiều huy chương cho đất nước. Hệ thống trường chuyên (từ chỗ chỉ có 6 trường chuyên thì đến nay đã có ở tất cả 63 tỉnh, thành).
Sự tác động của nền kinh tế đến sự nghiệp giáo dục
Nền kinh tế-xã hội trong 30 năm đổi mới tác động đến sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo. GS Phạm Minh Hạc nhận định, trước năm 1986, nền kinh tế của đất nước vô cùng khó khăn, thu nhập bình quân của người dân rất thấp.
Tuy nhiên, từ sau năm 1986, tình hình chính trị-kinh tế-xã hội của nước ta đã dần ổn định và đang phát triển nên đã tác động rất lớn đến nền giáo dục nước nhà. Đến nay, ở hầu hết các tỉnh, thành, vùng miền khó khăn đều có đủ trường học. Nhiều trường đã được xây dựng theo tiêu chuẩn kiên cố hóa.
Từ chỗ số lượng người đi học còn ít thì đến nay, nước ta có trên 22 triệu học sinh, sinh viên được đến trường.
Gần đây, tại hội nghị Việt Nam học, một giáo sư người Mỹ đã bày tỏ sự ngạc nhiên vì nền kinh tế của nước ta còn thấp nhưng kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015, Việt Nam lại đứng thứ hạng cao.
Có được những kết quả trên, một phần là do đường lối giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Chính phủ và tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học, Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc
Các cấp ủy, địa phương chưa thực sự coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu
Trong xu thế hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, thời gian tới, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức.
Theo GS Phạm Minh Hạc, đất nước ta muốn phát triển và đổi mới thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chúng ta phải giữ vững những thành quả đổi mới giáo dục trong sự đổi mới đất nước. Song song với đó là chấn chỉnh những thiếu sót, yếu kém trong giáo dục.
Trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới, việc đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục không nên nặng về tri thức mà nên tập trung vào đánh giá năng lực và phẩm chất của con người theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.
Ngành Giáo dục phải xây dựng đội ngũ học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam trở thành nguồn nhân lực có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ để có thể hội nhập, cạnh tranh với các lao động khác ở nhiều nước khác trên thế giới.
Ngoài ra, chúng ta phải biết sử dụng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài. Những người tài phải được sử dụng làm nòng cốt và tiên phong trong mọi sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, nước ta đang có khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng có quá nhiều trường nhưng chất lượng đào tạo lại không đảm bảo.
Từ thế kỷ thứ XVIII, nhiều nước đều coi trọng phát triển giáo dục đào tạo là sự ưu tiên hàng đầu. Sang đến thế kỷ XXI, các nước có nền kinh tế phát triển, giàu có trên thế giới đều ưu tiên số 1 cho giáo dục.
Từ những năm 1990, chúng ta đã lấy khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng đến năm 2004, Bộ Chính trị thẩm tra cho thấy, không có một cấp lãnh đạo nào, địa phương nào thực sự coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu.
Để đất nước phát triển, cấp ủy và chính quyền phải thực sự quan tâm đến phát triển giáo dục đào tạo./.
Bích Lan/VOV.VN