Vở cải lương “Phố An cư” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An nói về xây dựng nông thôn mới, từng tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc
Nhớ thời hoàng kim
Năm 1977, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An thành lập trên cơ sở tiếp nhận Đoàn Tiếng ca Trung Hiếu - do Bộ Nội vụ miền chuyển giao và Đoàn Cải lương Vàm Cỏ. Lúc đó, Đoàn Cải lương Long An có 60 cán bộ, công nhân viên và diễn viên do ông Trần Văn Cư làm Trưởng đoàn và ông Huỳnh Văn Vui làm Phó Trưởng đoàn.
Có thể nói, từ ngày thành lập đến những năm 1990 là thời hoàng kim của cải lương nói chung và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An nói riêng. Thời ấy, làm nên tên tuổi, tạo “thương hiệu” cho Đoàn có “sầu nữ” Út Bạch Lan, nghệ sĩ Thúy Quyên, Thanh Tâm, Tuyết Hoa, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phương Tùng,…
Bên cạnh đó, năm 1987, Từ tỉnh Tây Ninh, năm 1987, NSƯT Ánh Hồng từ Tây Ninh về “đầu quân” cho Đoàn Nghệ thuật Cải Lương Long An và là đào chính, khá nổi danh lúc bấy giờ. NSƯT Ánh Hồng nhớ lại: “Lúc đó, Đoàn Long An đi biểu diễn ở những vùng sâu, vùng xa, khán giả đến xem rất đông, có khi “cháy” vé. Tuy tự thu, tự chi nhưng anh, em trong Đoàn vẫn sống “khỏe” vì cải lương được nhiều khán giả đón nhận”. Đó cũng là niềm hạnh phúc, tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho những người làm nghề hóa thân vào các vai diễntuồng trên sân khấu.
NSƯT Ánh Hồng tiếp tục chia sẻ: “Cũng vì có nguồn thu tốt nên ngoài lực lượng diễn viên của tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An còn hợp đồng với một số nghệ sĩ như Minh Vương, Mỹ Châu, Phượng Liên,… hát phục vụ người dân. Những năm đó, có một số tuồng đi vào lòng người, để lại ấn tượng sâu sắc với người xem như Trà Hoa Nữ, Hoàng Tử và tên ăn mày,… Hai vở diễn này khi biểu diễn ở một số tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng thu hút nhiều khán giả. Cải lương là tiếng lòng, tiếng đời từ đời sống thực tế được sân khấu hóa nên dễ đi vào lòng người”.
40 năm trôi qua, một số vở diễn của Đoàn vẫn còn “chỗ đứng” trong lòng người mộ điệu. Bây giờ, dù không còn đứng trên sân khấu nhưng khi gặp lại những diễn viên nổi danh một thời của Đoàn như NSƯT Ánh Hồng, khán giả vẫn gọi là bà mẹ vùng ven (nhân vật trong vở cải lương cùng tên) hay Bà Tư hết thời (nhân vật trong vở Trà Hoa Nữ). Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã tạo nên thương hiệu, để lại dấu ấn với người mộ điệu từ “thuở ban đầu” như thế!
Đào tạo đội ngũ kế thừa
Có một thời gian, những “cây đa, cây đề” của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An chuyển sang hát vai tính cách,… để nhường bước, tạo cơ hội cho diễn viên trẻ hát chính. Thời gian này cũng là lúc cải lương bắt đầu khủng hoảng. Để giữ chân khán giả, đội ngũ diễn viên trẻ được đào tạo về kỹ năng ca, diễn phục vụ khán giả.
Theo NSƯT Hữu Lộc, nguyên Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An: “Với phương châm phát triển đội ngũ kế thừa từ phong trào nghệ thuật quần chúng nên năm 1994 và năm 2000, Đoàn chiêu sinh đào tạo tại chỗ, mời giảng viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 về giảng dạy và truyền nghề. Trong số những học viên thời đó, bây giờ cóò diễn viên được phong tặng danh hiệu NSƯT…”.
Còn NSƯT Ánh Hồng, khi giã từ ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ tham gia nhiều Hội thi, Hội diễn trong tỉnh với tư cách Ban Giám khảo. Qua đó, nghệ sĩ phát hiện những diễn viên có năng khiếu, tạo điều kiện đưa về Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện. Trong số đó, có NSƯT Hồ Ngọc Trinh, hiện là Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, từng đạt Chuông bạc trong cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ.
Học hỏi đồng nghiệp và luôn nhận được sự quan tâm, dõi theo, hướng dẫn từ thế hệ diễn viên đi trước như NSƯT Hữu Lộc, NSƯT Ánh Hồng, NSƯT Đoàn Dự,… nên lực lượng diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An ngày càng trưởng thành. Gần đây nhất, Đoàn tiếp tục tạo tiếng vang khi 2 nghệ sĩ Võ Hoàng Dư và Phan Thị Hoàng Oanh đạt giải tư, giải ba cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ năm 2017.
Nghệ sĩ Võ Hoàng Dư chia sẻ: “Dù lượng khán giả mặn mà với cải lương không còn nhiều nhưng tôi vẫn yêu nghề và nguyện đem lời ca, tiếng hát phục vụ người xem. Tuy mới về Đoàn công tác hơn 1 năm, nhưng nhờ các cô, chú diễn viên đi trước và anh chị, em trong Đoàn hướng dẫn, rèn luyện nên tôi tiến bộ nhiều. Tôi sẽ tiếp tục rèn nghề và đạo đức để đem lời ca tiếng hát đến với khán giả. Mong rằng, cải lương sẽ sống lại như thời hoàng kim”!.
Đam mê, chịu khó học hỏi, tích cực rèn nghề là một trong những yếu tố để Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An duy trì suốt 40 năm qua dù gặp nhiều khó khăn. “Lãnh đạo tỉnh cũng quan tâm, xây dựng trung tâm luyện tập, tạo điều kiện cho các diễn viên tập luyện tốt. Từ đó, Đoàn có thể hoàn thành “sứ mệnh” mang những bữa tiệc tinh thần đặc sắc đến với người dân vùng sâu, vùng xa và biên giới với con số 150 suất/ năm. Đoàn sẽ tiếp tục phấn đấu, sáng tạo trong chuyên môn, dàn dựng nhiều vở diễn hay, giàu giá trị nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân” - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An – Biện Hữu Hùng Dũng chia sẻ.…
Sau 40 năm, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dàn dựng gần 100 vở diễn, trong đó có những vở đạt giải xuất sắc như: Đất và hoa, Ánh sáng phù du, Giọt đắng,… Sau các hội thi, hội diễn, Liên hoan khu vực và toàn quốc, có gần 40 lượt diễn viên nhận Huy chương Vàng, Bạc, Đồng; 2 Huy chương Bạc tập thể và 1 giải đặc biệt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng. Đoàn cũng 3 lần được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc và năm 2012 được tặng Huân Chương Lao động hạng 3. Hiện tại, có 7 diễn viên của Đoàn được phong tặng danh hiệu NSƯT./. |
Thùy Hương