Cùng góp sức
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết: Mẹ đỡ đầu là chương trình do Hội LHPNVN triển khai nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, đặc biệt là trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Đến nay, 15/15 Hội LHPNVN các huyện, thị xã, thành phố và 3 đơn vị trực thuộc Hội phụ nữ cơ sở (PNCS) Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh đều tích cực hưởng ứng, kết nối - đăng ký - đồng hành hoặc trực tiếp làm Mẹ đỡ đầu trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Hội viên phụ nữ nuôi heo đất để chăm lo trẻ em mồ côi
Tại huyện Cần Giuộc, chương trình Mẹ đỡ đầu được Huyện hội triển khai dưới hình thức thực hiện mô hình Tiết kiệm nuôi heo đất, Mẹ đỡ đầu cho con. Theo đó, Huyện hội vận động, điều phối, kết nối “mẹ” nhận đỡ đầu các “con” mồ côi do Covid-19; kết nối mạnh thường quân với trẻ, hỗ trợ trẻ tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để có cuộc sống an toàn và bảo đảm tất cả trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ.
Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết: Tuy mới phát động được hơn 3 tháng nhưng với ý nghĩa nhân văn, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Hội LHPNVN huyện kết nối mạnh thường quân, hội viên, PN hỗ trợ hàng tháng cho 17 bé (mỗi bé 1 phần quà trị giá 700.000 đồng gồm sữa, tã, hỗ trợ học phí, dụng cụ học tập,...) và hỗ trợ 1 lần cho 20 bé (mỗi bé 5 triệu đồng).
Song song đó, xác định cần có một nguồn kinh phí ổn định để kịp thời hỗ trợ trẻ mồ côi khi cần đột xuất, Hội LHPNVN huyện phát động mỗi Hội cơ sở nuôi 1 con heo đất nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái" trong hội viên, PN, cộng đồng. Hàng năm, vào dịp 08/3, 20/10, Hội LHPNVN huyện tổ chức đập heo đất, số tiền thu được sẽ hỗ trợ thêm cho trẻ mồ côi mà đơn vị nhận đỡ đầu. Các đơn vị tiếp tục nuôi heo đất cho đến hết thời gian nhận đỡ đầu hoặc khi trẻ đến 18 tuổi. Đến nay, mô hình được triển khai trong toàn huyện với 42 con heo đất từ 18 đơn vị nhận đỡ đầu; giúp đỡ 27 bé mồ côi do Covid-19 trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, Hội LHPNVN huyện còn phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương theo chức năng của tổ chức Hội; hỗ trợ, hướng dẫn các em và gia đình tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước; phối hợp Trung Tâm Y tế tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, nuôi dưỡng trẻ phù hợp với độ tuổi; phối hợp ngành Giáo dục hướng dẫn, kèm cặp trẻ học tập tại nhà, hướng dẫn, giúp trẻ làm việc nhà; hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sau tốt nghiệp THCS; phối hợp ngành Tư pháp thực hiện tư vấn các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em và trợ giúp pháp lý.
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chăm lo 5 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh
Góp phần san sẻ yêu thương, chăm lo đời sống, sức khỏe và tinh thần những trẻ chịu cảnh mồ côi khi vừa lọt lòng mẹ, hưởng ứng chương trình Mẹ đỡ đầu, hội viên PNCS Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đóng góp và vận động mạnh thường quân trao tặng sổ tiết kiệm cho 3 bé mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Mỗi sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội PNCS Bộ CHQS tỉnh còn nhận đỡ đầu 2 học sinh nghèo, mồ côi trên địa bàn TP.Tân An và huyện Châu Thành. Hàng tháng, hội viên PN đến thăm hỏi, động viên, tặng gạo, sữa và trao 500.000 đồng để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Thiếu tá Phạm Thị Thanh Hằng - Chủ tịch Hội PNCS Bộ CHQS tỉnh, chia sẻ: “Nhận thấy hoàn cảnh các bé, chúng tôi rất trăn trở, càng quyết tâm tiếp tục duy trì mô hình và hy vọng sẽ là Mẹ đỡ đầu của nhiều “đứa con” hơn nữa, góp phần để những trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 được chăm sóc, phát triển toàn diện”.
Lan tỏa yêu thương
Làn sóng dịch Covid-19 đi qua để lại hậu quả nặng nề. Nhiều em bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Nỗi đau mất đi đấng sinh thành đối với các em là cú sốc quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Vì vậy, chương trình Mẹ đỡ đầu do Hội LHPNVN phát động đúng lúc góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát, chia sẻ khó khăn, giúp các em có thêm điểm tựa trong hành trình đi tới tương lai.
Mạnh thường quân tặng quà và nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi do Covid-19 trên địa bàn huyện Cần Giuộc
Không may mắn như bao nhiêu đứa trẻ khác, bé Văn Thùy Linh (SN 2021, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) từ nhỏ đã không có cha. Dịch Covid-19 đã cướp đi người mẹ của bé. Hiện tại, Linh được cậu mợ cưu mang. Cuộc sống không mấy khá giả, 4 thành viên gia đình cậu mợ và bé Linh sống trong căn phòng trọ ọp ẹp.
Hàng ngày, cậu chạy taxi, còn mợ địu Linh trước ngực cùng ra chợ bán bánh mì để trang trải cuộc sống. Dù cố gắng nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ sống tạm qua ngày, nay nuôi thêm cháu nhỏ nên gia cảnh càng khó khăn hơn.
Chị Trần Thị Minh Tâm (mợ bé Linh) bộc bạch: “Nhiều lúc không có tiền mua sữa, tã cho cháu, tôi vay mượn hàng xóm rồi dành dụm tiền bán bánh mì, chạy taxi của chồng để gửi trả lại. Con mình dù thiếu thốn nhưng còn có đủ cha mẹ, còn cháu phải chịu cảnh mồ côi nên tôi rất thương bé. Số tiền 10 triệu đồng do Hội PNCS Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ đối với gia đình tôi rất quý. Số tiền này giúp gia đình có thêm điều kiện để chăm sóc cháu Linh”.
Tính đến hiện tại, Hội LHPNVN các cấp trong toàn tỉnh nhận đỡ đầu, chăm lo 167 bé, trong đó 140 bé mồ côi do Covid-19, 27 mồ côi khác với tổng tiền, quà tặng trị giá 226 triệu đồng (gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm, đường, sữa, bánh,...). Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp hỗ trợ tư vấn kiến thức, dạy kỹ năng sinh hoạt cho các trẻ và người giám hộ trẻ.
Theo bà Đỗ Thị Kim Thắm, để đạt mục tiêu 100% trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu và tiến tới có nhiều trẻ mồ côi vì các nguyên nhân khác được nhận đỡ đầu, Hội LHPNVN tỉnh có công văn đề nghị các cấp Hội tập trung triển khai chương trình. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền cho hội viên PN và các tầng lớp nhân dân hiểu ý nghĩa nhân văn của chương trình; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là PN tại địa phương nhận hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại gia đình; quan tâm chăm sóc trẻ về sức khỏe, tâm lý, tình cảm,... để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.
Nỗi đau mất cha, mẹ, người thân đối với các bé là quá lớn, không thể bù đắp được, tương lai các bé phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Hơn lúc nào hết, các bé rất cần sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để được hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài./.
Hà Lan