Không nên ăn sáng bằng bánh ngọt - Ảnh: imagenesmy.com
Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết bữa ăn sáng rất quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho hoạt động của con người, nhưng không ít người đã sai lầm khi dùng bữa ăn sáng.
Nhịn ăn sáng không tốt cho sức khỏe nhưng ăn sáng không đúng cách cũng không có lợi, đặc biệt là những cách ăn như sau:
- Ăn sáng ngay sau khi ngủ dậy: Sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối. Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để xử lý và hấp thụ nốt phần ăn đó.
Nếu ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, sức khỏe và gây hại cho dạ dày. Vì vậy, khi ngủ dậy nên vận động, nghỉ ngơi và ăn sáng sau đó khoảng 20-30 phút.
- Ăn sáng quá muộn: Ăn sáng muộn khiến cho mất cảm giác ngon miệng và cơ thể không hấp thu hết được những dưỡng chất có trong thực phẩm, gây rối loạn đồng hồ sinh học trong cơ thể. Tốt nhất nên ăn sáng trước 9h sáng.
- Ăn sáng bằng thức ăn lạnh: Dù là mùa hè cũng không nên ăn thức ăn lạnh vào bữa sáng. Buổi sáng, cơ thể (bao gồm cơ bắp, thần kinh, mạch máu) đang ở trạng thái co lại, nếu ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến táo bón, giảm sức đề kháng của cơ thể.
- Uống nước sinh tố hoa quả thay vì ăn hoa quả tươi: Nếu thích dùng sinh tố hoa quả cho bữa sáng hơn là ăn hoa quả tươi, có thể thỏa mãn khẩu vị nhưng cần nhớ rằng hoa quả sau khi xay qua máy xay sinh tố sẽ bị giảm một lượng đáng kể các chất vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Thay vào đó, nên uống nước lọc và ăn hoa quả tươi để đảm bảo dinh dưỡng và tránh bổ sung nhiều calo, đường vào cơ thể như với sinh tố hoa quả.
- Ăn ít: Vì lo sợ tăng cân nên nhiều người chọn cho mình chế độ ăn uống với lượng thực phẩm ít ỏi như dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn tốt. Bữa sáng là bữa ăn quan trọng vì nó cung cấp năng lượng cho cơ thể để hoạt động trong một ngày mới.
Nếu ăn một bữa ăn quá ít calo, lượng calo cung cấp và chuyển hóa thành năng lượng không đủ sẽ khiến cho chúng ta nhanh chóng bị uể oải, mệt mỏi và đói bụng trước giờ ăn trưa.
- Ăn quá no: Một bữa ăn sáng thích hợp sẽ tạo điều kiện cho nạp năng lượng trước khi bắt tay vào làm việc. Nhưng việc ăn quá nhiều thức ăn vào bữa sáng sẽ có tác dụng ngược lại. Vì vậy, tốt nhất nên đặt ra lượng calo vừa đủ cho cơ thể để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với mình.
- Ăn thức ăn thừa từ hôm trước: Không ít người có thói quen ăn thức ăn thừa còn lại từ hôm trước vào bữa sáng hôm sau. Điều này có thể không gây nhiều ảnh hưởng nếu thực phẩm đó được bảo quản tốt.
Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng toàn vẹn của thực phẩm bị hao hụt sau thời gian dài lưu trữ, thậm chí có những loại còn có thể sản sinh ra nitric có hại cho sức khỏe con người. Nếu ăn những thức ăn này sẽ có thể bị đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa, năng lượng cung cấp cho cơ thể cũng thấp sẽ không cảm thấy khỏe khoắn trong một ngày mới.
- Uống nhiều cà phê, trà vào bữa sáng: Một tách cà phê hoặc trà có thể giúp thúc đẩy tâm trạng và tăng sự trao đổi chất, nhưng không nên uống quá nhiều. Caffeine có trong cà phê, trà sẽ kích thích sản xuất hormone gây stress trong cơ thể, tạo cảm giác ngon miệng và thèm ăn khiến ăn nhiều, tăng cân. Đồng thời, caffeine còn có tác dụng kích thích làm tăng tiết axit dịch vị, ảnh hưởng đến dạ dày.
- Ăn buffet cho bữa sáng: Một bữa ăn buffet sẽ khiến khó xác định được lượng calo mình tiêu thụ cũng như các loại thực phẩm muốn ăn.
Do đó, dễ gặp phải sai lầm trong lựa chọn thực phẩm (chọn nhiều thức ăn chứa đường, dầu mỡ...) khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào buổi sáng, giảm sự tập trung trong công việc. Thậm chí sẽ có nguy cơ tích thêm nhiều mỡ vào cơ thể nếu thường xuyên ăn sáng theo cách này.
- Vừa đi vừa ăn: Để tiết kiệm thời gian, không ít người có thói quen vừa đi vừa ăn hoặc ăn trong lúc chờ xe buýt... Điều này khiến cho dạ dày phải làm việc vất vả hơn và đó chính là lý do khiến nhiều người bị đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa hoặc thường xuyên đau bụng.
- Ăn thức ăn nhanh: Nếu thường xuyên ăn sáng với thức ăn nhanh, cơ thể sẽ bị thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng lại dư thừa năng lượng và chất béo, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, làm tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch…
Ăn sáng đúng cách để đảm bảo dinh dưỡng
- Một bữa ăn sáng đủ chất dinh dưỡng gồm có tỉ lệ lượng carbohydrate chiếm khoảng 60%, protein chiếm 10 - 14%, chất béo khoảng 25 - 30% trong tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể trong ngày.
- Lựa chọn các món ăn nóng như phở, bún, hủ tiếu, cháo, xúp có tác dụng làm nóng cơ thể, giúp các mạch máu dễ lưu thông hơn. Có thể ăn bún cá, bún gà, phở các loại... để bổ sung năng lượng, lựa chọn cho bữa sáng.
- Sử dụng các món ăn từ các loại ngũ cốc khô như bánh mì, cháo, bột yến mạch, bánh bao... giúp dễ tiêu hóa và giàu chất xơ.
- Đồ nếp cũng là lựa chọn tốt cho bữa sáng. Một gói xôi xéo có chứa chất đạm, chất béo và chứa khá nhiều năng lượng từ tinh bột.
- Thực phẩm giàu protein là trứng, sữa, các loại đậu và sản phẩm từ đậu, các loại thịt. Các loại hạt như ngô, hạnh nhân, óc chó… cung cấp lượng axit béo omega - 3 rất tốt cho sức khỏe.
- Ăn sáng vào khung giờ từ 7 - 8h để đạt hiệu quả tiêu hóa ở mức tốt nhất.
|
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/an-sang-cung-ba-bay-duong-the-nao-moi-la-tot-20231104155656917.htm