Ông Lê Văn Thương sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An. (Ảnh tư liệu)
Phát huy truyền thống gia đình
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha mẹ và 3 người anh đều tham gia kháng chiến nên từ nhỏ, “máu cộng sản" đã chảy trong người ông Lê Văn Thương (SN 1954, ngụ ấp Hòa Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An). Chứng kiến cảnh người thân bị giặc bắt, tù đày và 2 người anh lần lượt hy sinh, ông Thương càng căm thù giặc. Là con trai út trong gia đình có 8 anh chị em, năm 16 tuổi, ông tình nguyện tham gia vào lực lượng du kích ở xã. Cuối năm 1973, ông Thương bị bắt, “đau đớn, dã man” là các cụm từ ông liên tục lặp đi, lặp lại khi kể về khoảng thời gian bị giặc bắt.
Ông Thương tâm sự: “Trong một lần đi đưa thư, tôi bị phát hiện. Chúng mang tôi vào biệt giam ở Cần Đốt. Suốt quá trình thẩm vấn, tôi bị bịt mắt. Sau những trận đòn tra tấn, bọn chúng bắt tôi quỳ gối và dang tay. Đau đớn lắm nhưng tôi nhất định không khai, thà chết để bảo vệ lực lượng. Biết là chẳng thể khai thác thông tin gì nên chúng đưa tôi vào tạm giam ở Trung tâm cải huấn. Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy là 30 tết. Tháng 9/1974, tôi được trả tự do, về địa phương, tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Trở về với cuộc sống đời thường, người lính năm nào lại tiếp tục cống hiến. Tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, ông Thương từng công tác qua nhiều cương vị: Cán bộ Văn hóa Thông tin, Bí thư Chi bộ, Trưởng Công an kiêm Phó Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB). Ngoài ra, ông từng làm cán bộ cải tạo nông nghiệp huyện Vàm Cỏ. Dù đảm nhận công việc nào, ông Thương cũng hoàn thành tốt.
Năm 2007, sau khi về hưu, ông được địa phương vận động làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Hòa Bình, xã An Vĩnh Ngãi. Là Chi hội trưởng, ông Thương luôn hết lòng, tận tụy với công việc. Từ 7 hội viên (HV) ban đầu, ông vận động, phát triển lên 22 HV. Đến nay, nguồn quỹ của Chi hội đạt 36 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí trên, Chi hội hỗ trợ HV vay vốn phát triển kinh tế gia đình với lãi suất ưu đãi. Hiện Chi hội CCB ấp không có HV nghèo hay cận nghèo. Với mong muốn xây dựng quê hương, ông Thương vận động người dân góp số tiền 18 triệu đồng thuê dịch vụ nạo vét 2 tuyến kênh phục vụ sản xuất. Song song đó, Chi hội cũng thường xuyên ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường, tuyến kênh, trồng cây xanh tạo mỹ quan,...
Ngoài ra, ông Thương còn kiêm thêm công việc mở tiếp sóng chương trình phát thanh của điểm loa ở ấp Hòa Bình. Được biết, ông đã hiến 49m2 đất để xây dựng điểm đặt cụm loa phát thanh tại ấp. Với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, ông luôn được mọi người tin yêu, quý trọng.
Cống hiến giữa thời bình
Quê ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, năm 1965, ông Lâm Tèo (SN 1958) theo gia đình tản cư lên thị xã Tân An (nay là TP.Tân An) sinh sống. Đầu năm 1976, ông vào làm việc tại Công ty Vật tư tổng hợp. Công tác được khoảng 1 tháng, ông Tèo tham gia nghĩa vụ quân sự. Được biết, ông là lớp thanh niên đầu tiên tham gia nghĩa vụ quân sự, đa số mọi người có tuổi đời khá trẻ, chỉ độ 18-20 tuổi.
Sau ngày giải phóng, bộ đội tập trung sản xuất nhằm hàn gắn “vết thương” chiến tranh. Phục vụ sản xuất chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra và lần này, ông lại tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu. Mặc dù đã hơn 40 năm nhưng những ký ức về một thời “đạn bom” vẫn được ông Tèo kể lại một cách rành mạch.
Ông cho biết, ban đầu, lực lượng đóng quân ở kênh Bo Bo, huyện Thủ Thừa, sau đó di chuyển lên khu vực biên giới Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường). Ông thuộc Sư đoàn 8, Quân khu 9, lúc bấy giờ, đơn vị di chuyển xuống huyện Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá (nay là TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) và thị xã Châu Đốc (nay là TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Năm 1978, tình hình chiến tranh biên giới Tây Nam bước vào giai đoạn khốc liệt. Nghe tin đơn vị rời đi, quân Pol Pot bám theo quyết đánh tan quân ta nhưng bất thành bởi đơn vị đã trang bị vũ khí và nhân lực phục vụ chiến đấu. Về nhân sự, đơn vị thành lập 2 sư đoàn, gồm sư đoàn chiến đấu và sư đoàn sản xuất. Năm 1979, đơn vị mở đường sang Campuchia. Trong quá trình chiến đấu, ông Tèo cũng chẳng biết con số chính xác các đồng đội đã hy sinh, chỉ nhớ rất nhiều người đã ngã xuống. Hiện phần lớn đồng đội ông được chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Mộc Hóa - Kiến Tường và 2 nghĩa trang tại tỉnh Kiên Giang.
Không chỉ là cựu chiến binh gương mẫu, ông Lâm Tèo còn là người chồng, người cha mẫu mực (Ảnh tư liệu: Ông Tèo phụ công việc kinh doanh nước giải khát tại gia đình)
Cuối năm 1982, ông Tèo là một trong những người may mắn trở về sau chiến tranh biên giới Tây Nam. Về thị xã Tân An (nay là TP.Tân An), ông quay lại công tác tại Công ty Vật tư tổng hợp đến năm 2010 thì nghỉ hưu. Về hưu, ông Tèo được UBND phường 1, TP.Tân An vận động làm Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 5. Thấy HV có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, ông phối hợp vận động xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội; đồng thời, hỗ trợ HV vay vốn từ nguồn quỹ của Chi hội.
Thời gian qua, cùng với địa phương, ông tích cực góp sức, góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương. Những con đường nhỏ, hẹp trước đây đã được thay thế bằng đường bêtông cao ráo, sạch sẽ. Đó là kết quả từ công tác vận động thực hiện các công trình theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Bên cạnh làm Chi hội trưởng Chi hội CCB, ông Tèo còn đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ dân phố, Chi ủy viên Chi bộ khu phố 5. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho địa phương./.
Nguyễn Dung