Tiếng Việt | English

27/04/2021 - 09:13

Anh hùng thời chiến, gương mẫu thời bình

Thời chiến, họ là những chàng trai mười tám, đôi mươi hăng hái lên đường đấu tranh giành hòa bình, độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc. Còn khi trở về cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu và chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Vững vàng trên “mặt trận” mới

Ông Nguyễn Văn Tưởng, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhìn ngôi nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng, ông Tưởng đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ khi trở về cuộc sống đời thường để có cơ ngơi như hôm nay. Nhấp ngụm trà, ông Tưởng kể về những câu chuyện ngày xưa khiến người nghe thêm khâm phục ý chí, nghị lực và tinh thần ham học hỏi của người CCB này.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tưởng (bìa trái), ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, giới thiệu về mô hình Trồng rau sạch

Ông Tưởng kể: “Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, năm 16 tuổi, tôi thoát ly và tham gia du kích ở địa phương. Hòa bình lập lại, tôi được phân công công tác trong lĩnh vực thuế. Năm 1992, sau khi thị trấn Tân Thạnh tách ra thành xã Tân Bình và thị trấn Tân Thạnh, tôi được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình suốt 3 nhiệm kỳ. Trong quá trình công tác, tôi luôn đặt lợi ích của người dân lên trên, tích cực vận động tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng quê hương”.

Ngoài làm tròn trách nhiệm với nhân dân, ông Tưởng còn là người chồng, người cha mẫu mực. Sau giờ làm việc, ông cải tạo vườn tạp, thuê thêm đất để canh tác. Có những lúc do ảnh hưởng của lũ lụt, dịch bệnh, diện tích đất trồng lúa bị thiệt hại nặng nề, gia đình lâm cảnh nợ nần. Song, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Tưởng không nản chí mà nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở địa phương. Hiện nay, gia đình ông có gần 8ha đất sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. 3 người con của ông đều học hành thành tài.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tưởng nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM, ông khuyên con gái của mình - chị Nguyễn Thị Bí Bo trở về quê hương lập nghiệp thay vì đi làm ở nơi khác. Ông tạo điều kiện cho chị Bí Bo trồng 1.000m2 rau sạch theo hướng hữu cơ. Ông Tưởng bộc bạch: “Nhận thấy người dân ở quê còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học trong canh tác rau, vì vậy, hai cha con tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng làm nhà màng, hệ thống tưới tự động để trồng rau sạch. Con gái tôi áp dụng các kiến thức đã học vào việc chọn hạt giống, ủ phân, làm đất đến thu hoạch. Nhờ sản xuất sạch, rau được người dân xung quanh đến tận vườn thu mua. Bình quân mỗi tháng, cha con tôi có lợi nhuận gần 9 triệu đồng từ vườn rau”.

Rời gia đình ông Tưởng, chúng tôi đến thăm CCB Trần Văn Đệ, ngụ ấp Đông Nam, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh. Ông kể về những năm tháng rời Bến Tre đến xã Tân Hòa lập nghiệp. Lúc đó, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung là vùng kinh tế mới, dân cư thưa thớt, đời sống người dân còn nhiều khó khăn với nửa năm nắng hạn, nửa mùa nước dâng.

Cựu chiến binh Trần Văn Đệ vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu

Ông Đệ cho biết: “Năm 1980, vợ chồng tôi đến xã Tân Hòa lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Lúc đó, đất ở đây chỉ trồng được khoai mì và khoai mỡ. Nhờ chủ trương khai hóa vùng Đồng Tháp Mười, Đảng, Nhà nước và người dân tiến hành đào kênh tháo chua, rửa phèn để chuyển sang trồng lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ. Ngoài trồng lúa, năm 2000, tôi còn nuôi bò sinh sản. Từ 1 con bò ban đầu nhân giống ra hàng trăm con, bán cho người dân xung quanh. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi bò. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, đời sống không ngừng nâng lên”.

Trở về đời thường với nhiều khó khăn nhưng những CCB như ông Tưởng, ông Đệ vẫn vững vàng trên “mặt trận” mới, sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Những CCB ấy sống, cống hiến và vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc của mình.

Chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Xác định được vấn đề này, Hội CCB các cấp xây dựng nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng xã NTM. Chủ tịch Hội CCB huyện Thủ Thừa - Lê Văn Bảy cho biết: “Năm 2017, Hội chọn ấp Bình Lương 1, xã Bình Thạnh làm điểm thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo vệ môi trường với 8 thành viên nòng cốt. CLB thường xuyên phối hợp các ngành ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh ven các tuyến đường; tuyên truyền, vận động người dân để rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nylon,... Sau thời gian thực hiện, đến nay, huyện có trên 70% ấp, khu phố thành lập được CLB Bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng xã NTM”.

Hội Cựu chiến binh xã Bình Thạnh phối hợp Hội Phụ nữ xã ra quân vệ sinh môi trường

Với sự góp sức của hội viên Hội CCB, đến nay, huyện Thủ Thừa có 6/12 xã đạt chuẩn NTM, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Chủ tịch Hội CCB xã Bình Thạnh - Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: “Xã Bình Thạnh có tuyến Đường tỉnh 834 ngang qua. Hàng ngày, lượng xe lưu thông trên tuyến đường này rất nhiều, từ đó xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ảnh hưởng cảnh quan môi trường xung quanh. Thế nhưng, từ khi các ấp thành lập CLB Bảo vệ môi trường, tuyến đường này thường xuyên được dọn vệ sinh, người dân sống ven tuyến đường nhặt rác trước cửa nhà nên cảnh quan môi trường được cải thiện”.

Ngoài thực hiện tiêu chí môi trường, Hội CCB huyện Thủ Thừa còn tích cực vận động xã hội hóa chăm lo hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2020, Hội CCB huyện vận động xây tặng 6 căn nhà đồng đội, bình quân mỗi căn trị giá 50 triệu đồng; sửa chữa 6 căn nhà tình nghĩa, bình quân mỗi căn 30 triệu đồng cho hội viên khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, Hội CCB huyện còn nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như Nuôi thỏ sinh sản, Trồng mai vàng, Trồng bưởi da xanh xen canh mít, Trồng dừa, Trồng nấm rơm,… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống hội viên. Hiện xã có trên 92,8% hội viên khá, giàu.

Đường tỉnh 834 sạch đẹp nhờ sự chung tay, góp sức của Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường của cựu chiến binh các ấp

Trong chiến tranh, những Bộ đội Cụ Hồ từng “vào sinh, ra tử” vì hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước. Hòa bình lập lại, các CCB tiếp tục tiên phong, gương mẫu cùng Đảng, chính quyền và nhân dân ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những việc làm của CCB thật đáng trân trọng và biểu dương, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

Trở về đời thường với nhiều khó khăn nhưng những cựu chiến binh như ông Tưởng, ông Đệ vẫn vững vàng trên “mặt trận” mới, sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Những cựu chiến binh ấy sống, cống hiến và vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc của mình”.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết