Tiếng Việt | English

12/09/2016 - 19:22

Áp thấp nhiệt đới vào gần bờ, Đà Nẵng đến Phú Yên mưa lớn

Đến 16g ngày 12-9, áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Quảng Nam - Bình Định khoảng 170km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/h), giật cấp 8 - 9.

Mưa trắng xóa trên các tuyến đường ven biển Đà Nẵng (ảnh chụp lúc 16g ngày 12-9) - Ảnh: Trường Trung

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, một số nơi có mưa rất to.

Khả năng mạnh lên thành bão

Tại đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh cấp 7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.

Đến 16g ngày 12-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ vĩ Bắc; 110,7 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 170km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/h), giật cấp 8 - 9.

Dự báo trong 3 - 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và khả năng cao mạnh lên thành bão.

Đến 22g ngày 12-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ vĩ Bắc; 109,9 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 100 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/h), giật cấp 9 - 10.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9 - 10; sóng biển cao 3 - 4m, biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây nguyên từ hôm nay (12-9) đến ngày 14-9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100 - 200mm).

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam bộ và Nam Tây nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50 - 100mm) kèm gió giật mạnh.

Trần mình chèn chống nhà cửa

Khi những cơn mưa lớn vừa ngớt, cuối giờ chiều 12-9, người dân ven biển Đà Nẵng đã tranh thủ chèn chống nhà cửa.

Tại tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành thuộc đoạn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, mưa lớn trắng xóa kéo dài, nhiều ngư dân thu lưới về nhà. Các dù, lều xe bán nước và chợ di động cũng được các tiểu thương vội vã kéo lên bờ.

Một người dân đi bộ trên đường với nước ngập g tới đầu gối - Ảnh: Tấn Lực
Đặc biệt tại tuyến đường này có rất nhiều quán nhậu được dựng bằng tôn vuông góc với hướng gió biển nên thường xuyên bị gió cuốn bay mỗi khi bão lớn.

Nhiều chủ quán đã tranh thủ lúc mưa ngớt để thuê người mang bao cát đè lên mái tôn và dùng dây, cây chèn chống cửa.

Tại đoạn kênh Phú Lộc nối với vịnh Đà Nẵng, hàng chục tàu ghe đã chạy vào khúc sông phía trong cầu đậu tránh gió. Dù nước từ khe Cạn xuống mạnh nhưng nhiều ngư dân trần mình trong mưa lớn để neo đậu tàu thuyền.

Nhiều ngư dân trần mình dưới kênh Phú Lộc để neo tàu thuyền - Ảnh: Trường Trung
Ông Lê Sáu, một ngư dân phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết do mưa quá to nên đến chiều nay ông mới cho tàu vào tránh bão được.

Do mưa lớn kéo dài, tại một số tuyến đường như Trưng Nữ Vương, Quang Trung, Nguyễn Du (quận Hải Châu) cũng xuất hiện tình trạng ngập.

Tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có nhiều khu vực bị ngập nặng, nước tràn vào nhà dân do mưa lớn kéo dài.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ thống kê xã Hòa Liên, hiện có một số khu vực bị ngập nước, cô lập như khu vực thôn Quan Nam 3, Trạm y tế xã, Trường tiểu học số 2.

Lực lượng chức năng cắt tỉa cành phòng ngã đổ - Ảnh: Tấn Lực
Hai tàu cá chìm trên đường vào đất liền

Trong khi đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khoảng 12g30 trưa 12-9, 2 tàu cá đánh giã cào trên vùng biển thuộc địa phận xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) trên đường vào bờ trú bão đã bị chìm.

Theo báo cáo của UBND TP Quảng Ngãi, 2 tàu cá bị chìm là của ngư dân Phạm Văn Hùng, với công suất dưới 90 CV và ngư dân Nguyễn Ca với công suất trên 90 CV.

Cả 2 ngư dân đều ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi). Nguyên nhân tàu chìm là do trên đường vào bờ trú bão đến gần khu vực cửa Đại thì tàu bị mắc cạn, chết máy, sau đó bị sóng lớn nhấn chìm.

Lúc chìm trên mỗi tàu có 3 ngư dân. Rất may không có thiệt hại về người nhưng tài sản bị thiệt hại nặng.

Ngay khi nhận thông tin, các lực lượng chức năng và người dân đã được huy động để lai dắt tàu vào bờ. Đến 17g cùng ngày, công tác lai dắt vẫn đang được tiếp tục trong điều kiện thời tiết xấu, sóng lớn.

Trong ngày, ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động ứng phó, phòng chống áp thấp nhiệt đới.

Chiều 12-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định có báo cáo nhanh về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang ảnh hưởng đến tỉnh này.

 Theo đó, số liệu mới nhất của Bộ đội biên phòng Khánh Hòa báo về lúc 16g cùng ngày là đã liên lạc, kêu gọi hơn 6.300 tàu thuyền với gần 43.000 ngư dân của Bình Định chủ động chạy tránh, neo trú để không bị thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Trong số này có 221 tàu với hơn 2.500 ngư dân Bình Định đang hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng, 20 tàu với 140 ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa, 308 tàu với 2.156 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

D.Thanh

Trường Trung - Trần Mai/tuoitre online 

Chia sẻ bài viết