Vùng hạ tỉnh Long An là vùng đất ngập mặn, nhiễm phèn, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mong làm giàu trên mảnh đất của mình. Đặc biệt, người dân chuyển từ đất lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú với diện tích duy trì hàng năm khoảng 7.000ha.
Mong đổi đời
Tại các huyện vùng hạ, để gắn bó được với nghề nuôi tôm, đòi hỏi không chỉ vốn đầu tư lớn mà còn cần những con người hết sức chăm chỉ, cần cù và tâm huyết với nghề. Sinh ra trong một gia đình gắn bó với nghề nuôi tôm từ lâu, anh Nguyễn Văn Trung, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, sau nhiều năm xa quê đã quyết tâm trở về cùng gia đình phát triển nghề nuôi tôm, góp phần làm giàu cho quê hương. Chia sẻ về nghề, anh Trung cho biết: “Hiện nay, nghề nuôi tôm thẻ được rất nhiều người ưa chuộng và mong đổi đời từ con tôm. Khi bắt đầu nuôi, tôi đến tham quan, khảo sát các tỉnh bạn học hỏi về cách nuôi, chăm sóc và kinh nghiệm nuôi tôm an toàn, bền vững... Sau thời gian nuôi, nhận thấy nuôi tôm thẻ chân trắng, ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng còn phải kết hợp kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (đây là yếu tố quyết định) vì tôm thẻ chân trắng rất dễ phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh việc bảo đảm nguồn nước, nuôi tôm đòi hỏi nông dân phải có 70% diện tích để làm ao ươm tôm giống, hệ thống ao lắng 1 để lọc sinh học và ao lắng 2 xử lí mầm bệnh trước khi cấp nước cho ruộng nuôi. Sử dụng nguồn giống phải uy tín, bảo đảm chất lượng con giống khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, nắm vững quá trình sinh trưởng và quy trình kỹ thuật nuôi bền vững”.
Người dân mong đổi đời nhờ nghề nuôi tôm
Từ 5.000m2 đất, gia đình anh Trung kiếm được lợi nhuận 300-500 triệu đồng/năm từ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh Trung nói: “Với diện tích trên, tổng vốn đầu tư ban đầu trên 500 triệu đồng. Vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi ngắn, năng suất cao, tôm phát triển ổn định sau thời gian nuôi khoảng 90 ngày sẽ đạt 40 - 50 con/kg, sản lượng đạt khoảng 3 tấn/ha, nếu trúng giá thì một vụ lời cả trăm triệu là chuyện bình thường”.
Tại huyện Tân Trụ, nhiều nông dân cũng “khá” lên nhờ con tôm thẻ chân trắng. Anh Nguyễn Văn Đời, ngụ xã Nhựt Ninh, chia sẻ: “Tôi gắn bó với con tôm gần 20 năm. Ban đầu, tôi nuôi tôm càng xanh nhưng lợi nhuận không cao. Sau đó, tôi bắt đầu chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu 1ha nuôi tôm thẻ thì trung bình mỗi năm nông dân kiếm lời trên 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với lúa và vật nuôi khác”. Cũng như anh Đời, chị Nguyễn Thị Sương, ngụ xã Đức Tân, vui mừng nói: “Hơn 2 năm nay tôi nuôi tôm vụ nào cũng có lợi nhuận. Vụ rồi, nuôi trên 5.000m2, tôi kiếm được hơn 300 triệu đồng”. Chỉ tay vào căn nhà đang xây dỡ dang, chị Sương nói: “Đó, nhờ nuôi tôm mà tôi xây được nhà và lo các con ăn học. Gia đình tôi được như vậy xem như là rất may mắn. Có nhiều hộ nuôi ròng rã cả năm trời mà chưa thấy đồng lời nào”.
Không dễ “ăn”
Nhiều người khá lên nhờ nuôi tôm, tuy nhiên nhiều người trắng tay cũng vì con tôm. Ông Nguyễn Văn Hải, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, có diện tích 20.000m2, vốn đầu tư lên hàng tỉ đồng nhưng vẫn không có lời. Ông Hải chia sẻ: “Thấy người ta nuôi tôm trúng ham quá, nhưng không “dễ ăn” tí nào. Khi mình “nhảy” vào nuôi mới biết, nuôi tôm đầu tư các dụng cụ: Máy cho ăn, quạt nước, máy thổi oxy đáy,... và thức ăn, thuốc nhưng khi tôm xảy ra dịch bệnh hoặc không đạt năng suất là lỗ hàng trăm triệu”.
“Nhiều người mong muốn đổi đời nhờ con tôm cũng rất khó” - ông Hải ngao ngán. Còn ông Nguyễn Văn Hanh, ngụ cùng địa phương, cho biết: “Tôi nuôi tôm nay cũng hơn 5 năm nhưng có năm lời, năm lỗ. Trước đây, với cách nuôi truyền thống trong ao đất, tôi thường thả 50 con giống/m2, năng suất không cao. Vài năm gần đây, tôi lót bạt ao và thả mật độ dày đến 200 con/m2. Mật độ dày đòi hỏi nhiều kỹ thuật và nhờ quy trình nuôi an toàn sinh học, chọn lọc con giống tốt nên con tôm khi thu hoạch đạt được cỡ lớn từ 25-30 con/kg, năng suất cao hơn gấp 4 lần so với cách nuôi truyền thống, lợi nhuận cũng khá hơn. Tuy vậy, tôi thấy nghề nuôi tôm này cũng khá bấp bênh”.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Chánh, huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Thu Vân cho hay: “Toàn xã có 954ha mặt nước thả nuôi tôm, đạt trên 100% kế hoạch năm, năng suất trung bình đạt 1.610 tấn/năm, ước tính tổng lợi nhuận trên 55 tỉ đồng/năm. Xã hiện có 13 tổ hợp tác, 1 Hợp tác xã và 1 Hội quán nuôi tôm, với tổng diện tích trên 26ha. Xây dựng 2 mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3ha tại ấp Hòa Quới và ấp Lăng, đạt sản lượng gần 60 tấn/năm, mang lại cho người nuôi lợi nhuận hàng tỉ đồng. Ngoài diện tích thử nghiệm, hiện nay, toàn huyện có hơn 150ha nuôi tôm công nghiệp (mật độ trên 60 con/m2, được trang bị đầy đủ dụng cụ như máy cho ăn, máy quạt nước, máy thổi oxy đáy), năng suất trung bình từ 4-5 tấn/ha/vụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thời tiết không thuận lợi, chất lượng con giống kém, tôm bị dịch bệnh đốm trắng, đỏ thân, sưng mang, chết hàng loạt, người nuôi tôm gặp khó khăn”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Thời gian qua, người nuôi tôm bị ảnh hưởng rất nhiều về điều kiện thời tiết: Tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp; tình trạng xâm nhập mặn kéo dài đã ảnh hưởng đến nuôi tôm, cùng với ô nhiễm môi trường, môi trường luôn biến động dẫn đến nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh trên tôm rất cao, tôm chết thu hoạch không kịp thời gây thiệt hại cho người nuôi. Một số diện tích thả nuôi trước vụ khi dịch bệnh xuất hiện nhưng người nuôi không khai báo để được dập dịch kịp thời ở thời điểm nuôi, vì vậy mầm bệnh thường xuyên tồn lưu, lây lan ảnh hưởng đến các ao đầm thả nuôi chính vụ”./.
(còn tiếp)
Huỳnh Phong - Bùi Tùng - Kim Thoa