Cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên đảo Trường Sa
Cách bán đảo Cam Ranh 254 hải lý, đảo Trường Sa mang hình hài một trái tim lớn với những tán bàng vuông rợp bóng mát, tràn đầy sức sống. Được mệnh danh là “thủ đô” của biển, đảo Việt Nam, đảo Trường Sa nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông.
Trái tim của biển, đảo Việt Nam
Vậy là đoàn công tác chúng tôi đã đi gần hết chặng đường, 7 đảo và điểm đảo đã qua, dù mỗi nơi đến thời gian thật ngắn ngủi nhưng đã cho chúng tôi biết những vất vả, khó khăn của người lính Trường Sa. Với chúng tôi, các anh là những anh hùng, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Phía trước chúng tôi là đảo Trường Sa - trái tim của biển, đảo Việt Nam.
Trường Sa, cái tên thân thương gợi trong ta những bài hát về biển, những ca từ rất đỗi quen thuộc, một Trường Sa rộng lớn, nơi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa nằm hiền hòa giữa biển khơi mênh mông, suốt 4 mùa sóng vỗ. Cách bán đảo Cam Ranh 254 hải lý, đảo Trường Sa mang hình hài một trái tim lớn với những tán bàng vuông rợp bóng mát, tràn đầy sức sống. Được mệnh danh là “thủ đô” của biển, đảo Việt Nam, đảo Trường Sa nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông. Đảo Trường Sa còn là nơi dừng chân lý tưởng cho những con tàu vượt qua bão tố neo đậu giữa trùng khơi. Chính nơi đây từng in dấu ấn của những con tàu không số trên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện vũ khí, trang bị cho chiến trường, chia lửa với miền Nam ruột thịt.
Đảo Trường Sa nằm ở 8o38’30” vĩ độ Bắc, 111o55’55” kinh độ Đông, là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa, có diện tích gần 48,15ha, chiều dài đảo 1,3km, chiều rộng 525m. Mùa khô, khí hậu trên đảo rất khắc nghiệt, nắng nóng oi bức, kéo dài từ sáng đến chiều tối, nhưng đây lại là mùa sóng yên, biển lặng, thuận lợi cho các đoàn công tác ra làm việc cũng như động viên quân và dân đảo Trường Sa. Quanh khu vực đảo Trường Sa, nguồn lợi thủy sản phong phú và là ngư trường đánh bắt chủ yếu của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên,... Chính điều kiện thuận lợi ấy, đảo Trường Sa từng in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Qua những phát hiện khảo cổ năm 1995 của Viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử cũng như pháp lý đanh thép để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, càng củng cố niềm tin, sức mạnh của những người lính giữ đảo, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông đã để lại.
Theo Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử, sau trận đánh mở màn vào ngày 14/4/1975 giải phóng đảo Song Tử Tây, 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ, làm chủ đảo Trường Sa. Từ đó, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những thành viên trong đoàn công tác chúng tôi hay tất cả những người dân đất Việt, đảo Trường Sa và quần đảo Trường Sa luôn là một phần máu thịt không thể tách rời. Còn với những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên đảo thì đảo Trường Sa chính là mái nhà lớn che chở bình yên cho Tổ quốc và biển cả là quê hương.
Ấm tình người trên đảo Trường Sa
Sau ngày giải phóng, được sự đầu tư to lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài cùng ý chí, nghị lực, tinh thần lao động hăng say của từng lớp CBCS, nhân dân, diện mạo của đảo Trường Sa hôm nay đổi mới từng ngày, khang trang, kiên cố hơn. Ở đó, cuộc sống mới đang sinh sôi với vườn cây trái ngọt và tình quân dân. Đâu đó, tiếng nói trong trẻo của những em thơ như át cả tiếng sóng vô tình của biển khơi. Chiếc cầu cảng được xây dựng kiên cố vươn từ đảo ra biển như chiếc cầu nối nhịp cho những đoàn công tác, nối nhịp hơi ấm từ đất liền ra với đảo.
Đặt chân đến với đảo Trường Sa, ngoài CBCS đang làm nhiệm vụ trên đảo còn có những gia đình đang sinh sống tại đây, gắn bó với biển, đảo hàng chục năm qua. Thấy chúng tôi, một em nhỏ chừng 3 tuổi, mặc bộ đồ hải quân tươi cười sà vào lòng Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng -Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, và rất ngoan khi biết chào đoàn công tác. Em tên là Nguyễn Ngọc Trường Sơn - con của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Hà sống trên đảo. Dù nói chưa sõi lắm nhưng cái giọng bi bô của các em nhỏ nơi đảo Trường Sa lại cho chúng tôi những cảm xúc về tình người, về một lớp thế hệ trẻ tại đảo Trường Sa.
Sau khi thăm một vòng quanh đảo, dự lễ thắp hương tại Đền tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài các anh hùng liệt sĩ, đoàn chúng tôi cùng CBCS và nhân dân trên đảo cùng tham gia lễ duyệt binh và chào cờ tại đảo. Dù đã dự rất nhiều lễ chào cờ nhưng có lẽ đây là lễ chào cờ xúc động nhất, đặc biệt nhất mà chúng tôi được dự. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần nhưng những năm qua, đảo Trường Sa ngày càng khang trang hơn với những công trình được xây dựng kiên cố như sân bay, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa, nhà khách, thư viện, bệnh xá, trường học, trạm thu phát tín hiệu điện thoại, truyền hình qua vệ tinh, đài khí tượng - thủy văn, hải đăng, hệ thống năng lượng sạch,... Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân trên đảo Trường Sa. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi hơn 40 năm qua, quân - dân trên đảo đã cải tạo đảo Trường Sa từ đảo cát trắng trở thành đảo xanh tươi, rợp bóng cây xanh.
Các thành viên trong đoàn công tác cùng quân, dân đảo Trường Sa tham gia lễ chào cờ tại đảo
Trung tá Lê Trọng Thông - Chính trị viên đảo Trường Sa, cho biết: “Trước sự quan tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân đảo Trường Sa tiếp tục phát huy truyền thống, thành tích của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trên dưới đồng thuận một lòng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quyết tâm xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân - dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Hơn nửa ngày trên đảo, được hòa mình vào cuộc sống của quân và dân đảo Trường Sa, chúng tôi mới hiểu hết được những đóng góp, hy sinh thầm lặng của những lớp thế hệ CBCS Hải quân và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc.
Đêm văn nghệ trước giờ chia tay, những bài hát về biển, đảo, tình yêu cùng hòa quyện với nhau bằng dàn hợp xướng của các thành viên trong đoàn công tác, CBCS, các lực lượng đóng quân trên đảo và nhân dân. Giữa biển khơi, những lời ca ấy như kết nối tấm lòng, tình cảm của những người trong đất liền và quân - dân trên đảo như chính tên gọi của cuộc hành trình “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
22 giờ, tàu nhổ neo rời đảo. Phía cầu tàu, quân và dân trên đảo vẫn đứng vẫy tay chờ tàu rời bến. “Trường Sa vì Tổ quốc, Trường Sa vì Tổ quốc...” lời chào của quân và dân trên đảo Trường Sa gửi đến chúng tôi. Và các thành viên trong đoàn công tác cũng đáp lại: “Tất cả vì Trường Sa”, cho đến khi đảo Trường Sa khuất dần trong bóng tối./.
(còn tiếp)
Bài 10: Nhà giàn DK1 - 30 năm làm cột mốc chủ quyền
Kiên Định